Tin KHCN nước ngoài
Phát hiện 20 hành tinh mới có thể có sự sống (02/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một điều đáng kinh ngạc, đó là 20 hành tinh có thể có bầu khí quyển không khác gì Trái đất và có thể có sự sống.

Các nhà khoa học đã phát hiện những thông tin mới này từ kính viễn vọng siêu mạnh Kepler, ở đó họ thấy các hành tinh này cũng đang quay quanh một ngôi sao chủ giống với mặt trời của chúng ta.

Trưởng nhóm nghiên cứu Kepler - nhà khoa học Jeff Coughlin cho biết trong đó có một ngoại hành tinh cực kỳ thú vị, vì nó có chu kỳ là 395 ngày và kích thước cũng tương tự như Trái đất, trong khi một hành tinh khác trong số đó cũng có chu kỳ chỉ 18 ngày.

Hành tinh giống Trái đất này có kích thước bằng 97% của Trái đất với bầu khí quyển tương tự như ở các vùng lãnh nguyên của chúng ta. Mặc dù khá lạnh giá, nhưng nó vẫn đủ ấm áp để duy trì nước ở dạng lỏng - một yếu tố thiết yếu để hỗ trợ cho sự sống.

Theo ông Coughlin, “nếu bạn muốn gửi một con tàu vụ trụ đi thám thính, thì hành tinh này sẽ là một lựa chọn không tồi”.

Hành tinh này được đặt tên là KOI-7923.01, nó có nhiệt đô lạnh hơn so với chúng ta vì khoảng cách tới ngôi sao chủ xa hơn, đồng thời do bản thân ngôi sao chủ của nó cũng lạnh hơn mặt trời của chúng ta. Điều này đồng nghĩa với việc khí hậu của nó có thể giống với các vùng lãnh nguyên trên Trái đất hơn - kiểu như vùng Siberi vậy, đó là những nơi rất lạnh những vẫn có thể duy trì sự sống.

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu thì cần phải có nhiều quan sát hơn nữa mới có thể đưa ra bất kỳ sự khẳng định nào.

Từ nay, việc khám phá các hành tinh mới cũng sẽ trở thành một phần trong danh sách các nhiệm vụ của kính viễn vọng không gian Hubble.

Các nhà khoa học làm việc với kính Kepler cũng phát hiện một đầu mối cho thấy có lẽ chu kỳ năng lượng của mặt trời không phải là duy nhất trong thiên hà.

Các nhà khoa học quan sát ngôi sao HD 173701 cho biết nó gần như giống hệt mặt trời của chúng ta về kích thước, khối lượng và cả độ tuổi, tuy nhiên nó có thành phần kim loại nhiều gấp đôi mặt trời.

Nhà nghiên cứu Travis Metcalfe - một trong những tác giả của nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Thiên văn học - cho biết: ngôi sao này là đầu mối về năng lượng được tạo ra bên trong ngôi sao - mặc dù nó có cùng độ tuổi và khối lượng như mặt trời, nhưng chu kỳ năng lượng của nó chỉ là 7,4 năm thay vì 11 năm.

Còn theo tác giả chính của nghiên cứu - nhà khoa học Christoffer Karoff tới từ trường Đại học Aarhus của Đan Mạch – thì “nghiên cứu cho thấy thành phần hóa học của một ngôi sao giống như mặt trời có thể ảnh hưởng tới năng lượng tạo ra bên trong ngôi sao đó”.

Đầu năm nay, tàu vũ trụ Kepler đã phát hiện được 219 ứng cử viên ngoại hành tinh mới, và trong đó có 10 hành tinh có thể có sự sống. Theo trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, chúng ta có thể sẽ quan sát được khoảng 4034 ngoại hành tinh trong thiên hà.

Trạm quan sát vũ trụ Kepler của NASA được phóng ngày 7/3/2009 với mục đích tìm kiếm các hành tinh giống Trái đất trong các hệ sao khác. Kính viễn vọng Kepler sử dụng một quang kế liên tục đo độ sáng của hơn 145.000 ngôi sao với tầm nhìn cố định. Sau đó, các thông tin thu được sẽ được truyền về Trái đất để phân tích nhằm tìm kiếm giai đoạn mờ theo chu kỳ của nó - khi một ngoại hành tinh vượt qua phía trước ngôi sao chủ.

Với phát hiện mới này, số lượng các ứng viên có thể có sự sống đã tăng lên con số 50 - trong đó hơn 30 hành tinh đã được xác nhận là các ngoại hành tinh. Trong đó, ngoại hành tinh giống với trái Đất nhất là K77-11. Mức năng lượng mà nó nhận được từ ngôi sao chủ cũng giống với chúng ta, và nó chỉ lớn hơn Trái đất một chút - bán kính bằng 1,3 bán kính Trái đất.

Nguồn: Báo dân trí

Số lượt đọc: 3295

Về trang trước Về đầu trang