Tin KHCN trong nước
Để bắt kịp làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 (27/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Trong kỷ nguyên của internet, con người sẽ ở vị trí trung tâm, kết nối và điều khiển mọi thứ. Đầu tư vào nghiên cứu khoa học và công nghệ, tạo ra những ứng dụng phù hợp, tương tác được với nền tảng công nghệ thế giới hiện đang là xu thế của những doanh nghiệp thời công nghệ số.

Phần lớn người dân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ được về làn sóng của cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 đang bùng nổ và phát triển như vũ bão. Khi các thiết bị thông minh đã gần như trở thành một phần không thể thiếu của thế giới, xu hướng phát triển các ứng dụng thông minh trên nền tảng công nghệ đang là một hướng đi của nhiều doanh nghiệp. Có thể dễ dàng nhìn thấy những doanh nghiệp như Facebook, Google, Amazon, Agoda... đã nhanh chóng trở thành những thế lực mới trên bản đồ công nghệ thế giới, vượt xa những “ông lớn” như Microsoft, Sony...

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp về công nghệ đã khởi nghiệp thành công như VNG, FPT, Vatgia..., ngay từ sớm họ đã lựa chọn phát triển một lĩnh vực chuyên ngành, xây dựng nền tảng công nghệ vững chắc để tạo được những sản phẩm mà xã hội cần. Những công ty như vậy đang bước đầu xây dựng một hệ sinh thái xoay quanh các hoạt động, dịch vụ cung cấp để chuẩn bị sẵn sàng “lướt sóng 4.0”.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, tạo ra sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất, hội tụ các chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, dịch vụ, vận chuyển và chăm sóc khách hàng... Trong quá trình này, internet kết nối vạn vật sẽ tác động làm biến đổi các ngành công nghiệp, từ sản xuất đến cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và có thể kết nối thế giới thực và ảo. Con người sẽ là trung tâm có thể điều khiển vạn vật tại bất cứ nơi nào, vẫn bao quát được công việc thông qua mạng internet và phần mềm chạy trên các thiết bị thông minh. Một số doanh nghiệp đang vận hành theo phương thức cũ cũng sẽ gặp khó khăn khi không theo kịp xu hướng hiện đại. Việc số hóa các dịch vụ sẽ rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Điều này sẽ xảy ra với một số đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, viễn thông...

Nắm bắt được xu hướng này, một số đơn vị có nền tảng về khoa học và công nghệ đã xây dựng những ứng dụng và hệ sinh thái nhằm mang đến những giải pháp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và xã hội có thể bắt kịp làn sóng CMCN 4.0. Như hiện nay, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đã đưa ra một loạt các giải pháp công nghệ về các lĩnh vực: giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch ảo, hệ thống cảnh báo cháy, an ninh giám sát, nhà thông minh... Giới thiệu với chúng tôi về mô hình giáo dục thông minh, Trưởng phòng Khách hàng giáo dục của tập đoàn Phạm Thị Ngọc Lan cho biết, Viettel đã tạo ra một hệ sinh thái riêng cho ngành giáo dục, xây dựng được một cơ sở dữ liệu ngành, qua đó các cơ quan quản lý cấp sở, bộ có thể quản lý mọi hoạt động của từng trường, từng lớp và thậm chí là từng học sinh. Việc kiểm tra, vào điểm cũng đã được số hóa, thay vì nhập điểm theo phương pháp cũ vào sổ điểm, giáo viên chỉ việc nhập thẳng lên hệ thống và không ai có thể sửa chữa được điểm số này vì toàn bộ đã được mã hóa và lưu bằng công nghệ điện toán đám mây. Ngoài ra, hệ thống còn hỗ trợ giáo viên giảng bài trực tuyến, trong quá trình học, học sinh khi ghi chép bằng bút thông minh sẽ được hệ thống nhận định có hiểu bài học hay không và sẽ gửi đánh giá cho giáo viên để thuận tiện cho việc giảng dạy...

Hay như đối với lĩnh vực y tế sẽ có giải pháp quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, mỗi bệnh nhân sẽ được gán một mã số nhất định, thông qua đó việc khám, chữa bệnh từ khi sinh ra sẽ được ghi lại trên hệ thống. Mỗi người dân cũng sẽ được cấp một tài khoản để tự truy cập hệ thống xem tiểu sử bệnh án của bản thân, các bệnh đã từng mắc phải, những bệnh đặc biệt như máu không đông, nhóm máu cũng được lưu rõ ràng, đã đến những nơi nào khám, chữa bệnh..., như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian cho người bệnh khi đến bệnh viện, bỏ qua những bước xét nghiệm cơ bản.

Thông tin mới nhất từ Viettel cho biết, tập đoàn đang kết hợp với Bộ Công an xây dựng hệ thống mã công dân, đồng bộ hóa với các hệ thống dịch vụ hiện tại, qua đó người dân sẽ dùng mã công dân này để sử dụng các dịch vụ khác trong tương lai. Theo Phó Tổng Giám đốc Viettel Hoàng Sơn, từ nhiều năm trước, các lãnh đạo của đơn vị đã dự kiến quá trình "thông minh hóa" toàn bộ các sản phẩm, dịch vụ từ đối tượng là cá nhân, doanh nghiệp, nhà máy sản xuất cho đến bộ máy quản lý cấp tỉnh, thành phố và cả một quốc gia sẽ diễn ra trong một tương lai gần. Chính vì vậy mà hiện nay Viettel đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về công nghệ, giải pháp để không chỉ Viettel mà còn có thể giúp doanh nghiệp, người dân, các cơ quan Nhà nước có thể bắt kịp với làn sóng 4.0 trên thế giới. Nhất là các sản phẩm của Viettel đều do chính các kỹ sư của tập đoàn tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất. Chính việc này đã giúp Viettel xây dựng một nền tảng công nghệ, tạo ra một hệ sinh thái toàn diện cho nền công nghiệp 4.0, một xã hội 4.0 nơi mà mọi thiết bị đều có thể kết nối nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua các giải pháp, ứng dụng mà Viettel cung cấp, các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực có thể lựa chọn để áp dụng cho phù hợp hoạt động của đơn vị mà không tốn kém một khoản chi phí nào để nghiên cứu, phát triển lĩnh vực số hóa dịch vụ tới người dân.

Trong xu hướng của in-tơ-nét kết nối vạn vật, sẽ có hàng tỷ thiết bị được kết nối với nhau thông qua môi trường internet. Các dịch vụ, tiện ích và ứng dụng sẽ được phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy ngành công nghiệp hướng tới hỗ trợ người dân. Cuộc CMCN 4.0 sẽ là cơ hội lớn khi cuộc cách mạng lần này sẽ không phụ thuộc vào các nền tảng cũ như các cuộc cách mạng trước. Đây sẽ là cơ hội đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp nếu biết lựa chọn đúng giải pháp để phát triển, qua đó có cơ hội bứt phá để bắt kịp với làn sóng của cuộc CMCN 4.0 trên thế giới.

Nguồn: Báo nhân dân

Số lượt đọc: 6774

Về trang trước Về đầu trang