Tin KHCN trong nước
Tạo nguồn lực mạnh cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (I 4.0) từ doanh nghiệp (19/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Quan điểm xã hội hóa nguồn đầu tư từ chính nhu cầu tự thân doanh nghiệp thì lúc đó cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (I 4.0) mới thực sự được nhận thức đúng và đủ; bên cạnh đó, các vấn đề về đào tạo, liên kết nghiên cứu, ứng dụng… cũng được đặt ra tại buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Công thương về tình hình triển khai I 4.0 ngày 17/10/2017

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các buổi làm việc giữa Bộ KH&CN và các Bộ, Ngành nhằm kiểm tra tình hình triển thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Chỉ thị số 16/CT-TTg). Đoàn công tác của Bộ KH&CN làm việc với Bộ Công thương do ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao làm trưởng đoàn.

Chủ động lồng ghép I 4.0 vào các nhiệm vụ đã và đang triển khai

Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Công thương cho biết: nhu cầu thông tin về I 4.0 đang rất lớn. Nếu như trong giai đoạn đầu, nhu cầu này có tính chất nhận diện thì nay các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới các công nghệ cụ thể và ứng dụng của các công nghệ này trong từng ngành, từng doanh nghiệp; lộ trình (từng bước hay nhảy vọt) để doanh nghiệp có thể chuyển đổi sang mô hình các doanh nghiệp số, doanh nghiệp 4.0.

Từ thực tế đó, Bộ Công thương đã chủ động xây dựng báo cáo tổng thể về các tác động của I 4.0 đối với ngành Công thương và bước đầu đã đề xuất một số khuyến nghị về chính sách phát triển của ngành, chính sách về phát triển KH&CN và nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh, xu hướng của I 4.0 tới từng lĩnh vực, tính sẵn sàng của doanh nghiệp trong chuyển đổi doanh nghiệp số. Dự kiến các kết quả nghiên cứu này sẽ hoàn thành trong năm 2018.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch KH&CN năm 2018, Bộ Công thương đã đưa I 4.0 trở thành một trong những nội dung yêu cầu trong một số Chương trình KH&CN cấp Bộ, trọng điểm cấp Bộ, cấp quốc gia. Nhiều nhiệm vụ KH&CN liên quan đến các công nghệ chủ chốt của I 4.0 đã được các tổ chức KH&CN trong ngành đề xuất triển khai thực hiện trong năm 2018.

Đặc biệt các nội dung nghiên cứu, hỗ trợ, triển khai ứng dụng các công nghệ của I 4.0 đối với doanh nghiệp ngành công thương đã trở thành một trong những nội dung ưu tiên nằm trong Đề án ứng dụng KH&CN trong quá trình tái cơ cấu ngành Công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 754/QĐ TTg ngày 31/5/2017.

Hiện nay, Bộ Công thương đang trao đổi, thảo luận với một số Công ty, Viện Nghiên cứu, các tổ chức tư vấn để xác định nội dung và các dự án triển khai liên quan tới ứng dụng công nghệ của I 4.0 vào doanh nghiệp trong thời gian tới. Có thể kể đến một số dự án, nhiệm vụ đã giao thực hiện và đang trong quá trình khởi động triển khai như: Dự án “Xây dựng hệ thống thu thập số liệu và điều khiển thiết bị lưới điện phân phối EVNCPC” do Tổng công ty Điện lực miền Trung thực hiện 2016-2017 với mục tiêu “Ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực công nghệ thông tin và tự động hóa vào lưới điện phân phối nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành, chất lượng điện năng và giảm chi phí”. Ngoài ba trung tâm giám sát và điểu khiển hệ thống điện phân phối, dự án sẽ hỗ trợ việc hình thành “Hệ thống thu thập số liệu, điều khiển và thông tin liên lạc kết nối các trung tâm này với các thiết bị đống cắt, đo lường trong trạm biến áp 110kV, trạm biến áp trung gian và trạm cắt; Các thiết bị bảo vệ, điều khiển modem không dây tại recloser, LBS, điều chỉnh điện áp, điều khiển tụ bù”.

Trong năm 2018, 2019, Bộ Công thương cũng sẽ dự kiến triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích, đánh giá những công nghệ nền tảng của ngành logistics, thiết kế hệ thống tổng thể và xây dựng một kho thông minh phục vụ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực quản lý ngành logistics do Công ty Cổ phẩn Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp thực hiện; Nghiên cứu và ứng dụng hệ thống ERP có tích hợp phần mền PM- Quản lý quá trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, độ tin cậy, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm LED và điện tử, đáp ứng yêu cầu các thị trường xuất khẩu mục tiêu tại châu Âu, Bắc Mỹ do Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông thực hiện…

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới.

Song song với đó, Bộ Công thương cũng đang chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm của ngành công nghiệp và thương mại để tổ chức triển khai phù hợp với xu thế phát triển của I 4.0. Bộ cũng đang triển khai lựa chọn, đề xuất một số sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thí điểm mô hình I 4.0

Trao đổi về những khó khăn của Bộ Công thương khi triển khai I 4.0, đại diện Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp cho rằng, dưới góc nhìn của một Viện nghiên cứu đã cổ phần hóa, thực chất đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, thì I 4.0 cần phải được hiểu đúng, thống nhất. Qua quá trình phát triển, Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp đã và đang chủ động áp dụng KH&CN rất hiệu quả, đó thực chất cũng là I 4.0 nhưng do tự thân đơn vị thấy cần phải làm. Thực tế cho thấy, hiện nay, mỗi nơi hiểu một cách khác nhau về I 4.0. Từ việc hiểu đúng, trúng thì nguồn lực về tài chính, nhân lực sẽ tập trung và không bị dàn trải, hay nói cách khác đó cần một loạt các giải pháp đồng bộ thì mô hình kinh doanh, tính pháp lý, đào tạo…
 

Một số sản phẩm nghiên cứu của VIELINA (Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa).
 

Đại diện Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa cho biết, hiện đầu tư từ phía xã hội cho công nghệ chủ yếu do các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính vì vậy, quy mô đầu tư nhỏ, không đồng bộ nên khó tích hợp, nâng cấp công nghệ. Đặc biệt, việc này dẫn đến phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài khi có sự cố.

Nguồn nhân lực cho I 4.0 cũng được đề cập đến trong buổi làm việc. Theo đó, các chương trình đào tạo cần phải có sự thay đổi về phương thức, nội dung, gắn thực hành với nghiên cứu cơ bản. Hay nói cách khác, vấn đề đào tạo cần phải linh hoạt đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động chất lượng cao. Để làm được điều này, cần gắn kết hơn nữa mối liên kết viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề nguồn lực đầu tư cho I 4.0, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao cho rằng, lâu nay, việc đầu tư mang tính chất quy mô, tầm nhìn dài hạn thì người ta nghĩ ngay đến Nhà nước. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Để tạo nguồn lực mạnh cho I 4.0, không ai khác chính là từ nguồn đầu tư của doanh nghiệp và xã hội. Chỉ khi xã hội nhận thức đúng về tầm quan trọng và thời cơ cũng như thách thức của I 4.0 thì lúc đó mới có sự đầu tư đúng cho I 4.0.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Một số giải pháp được đưa ra tại buổi làm việc như: thúc đẩy định hướng doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng I 4.0; Xây dựng thí điểm mô hình I 4.0; thí điểm đào tạo…

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 5082

Về trang trước Về đầu trang