Hợp tác quốc tế
Hợp tác công-tư phục vụ đổi mới sáng tạo nông nghiệp (16/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Các dự án hợp tác công-tư (PPP) được sử dụng rộng rãi để phát triển cơ sở hạ tầng và bây giờ đã trở thành một phương thức ngày càng phổ biến để cung cấp các dịch vụ công khác nhau ở các nước OECD và các nền kinh tế mới nổi cũng như đang phát triển. Kết quả là kinh nghiệm từ một phạm vi rộng các dự án PPP đã được tích lũy và nhiều bài học đã được rút ra từ các nghiên cứu và kinh nghiệm của các nước.

Dựa trên sự xem xét sâu về kinh nghiệm các nước thành viên được lựa chọn, OECD đã phát triển các nguyên tắc quản lý công đối với PPP, xác định các kinh nghiệm thực hành tốt trong việc thiết kế và quản lý PPP trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (STI), xem xét các xu hướng gần đây tại các nước OECD, bao gồm cả việc triển khai chiến lược các dự án PPP trong lĩnh vực STI (OECD, 2014). Xét về các loại hình PPP khác nhau, các tổ chức quốc tế khác (ví dụ như Ngân hàng thế giới, UNECE, IFPRI) cũng đã đưa ra các khuyến nghị cho việc lựa chọn và thiết kế PPP.

Định nghĩa PPP cho đổi mới sáng tạo 
Có nhiều hình thức PPP tùy thuộc vào loại hình và số lượng các bên tham gia, và cả vào mục đích, phạm vi và thời gian thực hiện dự án. Có một số các định nghĩa khác nhau về PPP và bao gồm các hệ thống phân loại đa dạng, một số liên quan cụ thể đến đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo nghĩa rộng, PPP được hiểu là thỏa thuận giữa các đối tác nhà nước và tư nhân vì một mục đích chung và chia sẻ rủi ro. Dưới đây là định nghĩa PPP phục vụ đổi mới sáng tạo được sử dụng tại các nước OECD và mối liên quan giữa PPP với đổi mới sáng tạo nông nghiệp.

Trong các tài liệu của OECD về khoa học, công nghệ và đổi mới, PPP phục vụ đổi mới sáng tạo được định nghĩa là "bất kỳ hình thức thỏa thuận hợp tác chính thức nào trong một khoảng thời gian cố định hoặc không hạn định giữa các bên tham gia nhà nước và tư nhân, trong đó cả hai bên cùng tương tác trong quá trình ra quyết định và cùng đầu tư các nguồn lực khan hiếm như tiền bạc, nhân sự, phương tiện, và thông tin nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới". Để phân biệt PPP với hợp đồng nghiên cứu thuần túy hoặc mua sắm các dịch vụ và trang thiết bị, có đặc điểm bổ sung đó là các nỗ lực nghiên cứu hợp tác hoặc đổi mới này được thực hiện chung, đồng tài trợ bởi các đối tác nhà nước và tư nhân, và có hoặc không được thể chế hoá trong một thực thể lựa chọn.

Có sự khác biệt lớn giữa các hình thức PPP cho đổi mới, từ mối quan hệ hợp đồng song phương hoặc đa phương với nhiều thành viên và các bên liên quan tham gia, điều này có thể trùng lặp với các hình thức hợp tác nghiên cứu giữa các tổ chức (ví dụ như các trung tâm nghiên cứu). Về mặt tổ chức, các hình thức PPP có thể là từ các dự án quy mô nhỏ (tạm thời), thường là quan hệ hợp tác giữa ngành công nghiệp - trường đại học hoặc thậm chí ở mức độ cá nhân (ví dụ như tư vấn học thuật) đến các dự án quy mô lớn, có độ rủi ro và chi phí cao. PPP trong lĩnh vực STI ngày càng sử dụng các dự án đa ngành, mang tính chiến lược, lâu dài, quy mô lớn, liên quan đến nhiều bên tham gia khác nhau.

Định nghĩa của OECD về PPP phục vụ đổi mới sáng tạo phù hợp với mục đích nghiên cứu PPP cho đổi mới sáng tạo nông nghiệp. Nhưng một vấn đề cụ thể của ngành, mà không liên quan đến bản chất của PPP đó là việc xác định ranh giới đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, căn cứ vào các mối liên kết với các lĩnh vực nghiên cứu khác như khoa học xã hội, công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ nano, sinh thái học, quản lý nước, khí hậu học và sức khỏe.

So với PPP phục vụ đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khác, PPP phục vụ đổi mới nông nghiệp có thể bao gồm một phạm vi rộng của các thành phần tham gia: cơ quan chính phủ, các tổ chức giáo dục, các lĩnh vực công nghiệp xuôi và ngược dòng, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các nhà tư vấn và các tổ chức nông dân, họ mang đến các kỹ năng khác nhau, nhưng cũng có năng lực rất khác nhau. Sự tham gia của nông dân đang ngày càng tăng, nhưng cũng làm nảy sinh những thách thức cụ thể. PPP vì mục đích đổi mới sáng tạo nông nghiệp thường được sử dụng cho nghiên cứu tiền cạnh tranh, cung cấp hàng hoá và dịch vụ công, và để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đổi mới.

Hợp tác công-tư cho đổi mới sáng tạo nông nghiệp
Trong bảng thuật ngữ của Hartwich et al. (2007), PPP trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nông nghiệp được định nghĩa là "các cơ chế hợp tác trong đó các tác nhân tham gia trong các lĩnh vực nghiên cứu và thuộc khu vực tư nhân chia sẻ các nguồn lực và rủi ro, và tạo ra sự đổi mới sáng tạo vì sự phát triển của ngành nông nghiệp, bao gồm các lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản. Các đối tác tiềm năng bao gồm các viện nghiên cứu, trường đại học, và các cơ quan khuyến nông thuộc khu vực công, các hiệp hội nhà sản xuất, các doanh nghiệp, và các nhà sản xuất cá nhân thuộc khu vực tư nhân. Thông thường, ở các nước kém phát triển, mối quan hệ hợp tác này được hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức hợp tác quốc tế".

Theo Hartwich et al. (2005) thông thường PPP đòi hỏi các mục tiêu chung, hợp tác tích cực, những đóng góp tương hỗ và bổ sung cho nhau từ các đối tác, và cam kết mở ra các mối quan hệ tuân theo tiêu chí công bằng và các quy định thoả thuận rõ ràng.

Van der Meer (2002) định nghĩa PPP phục vụ nghiên cứu nông nghiệp là việc tổng hợp các nguồn lực công và tư với mục đích cung cấp giá trị gia tăng cho cả hai bên, khu vực tư nhân bao gồm cả các công ty địa phương và đa quốc gia cũng như nông dân và các hiệp hội của họ. Ông đã chỉ ra các điểm sau đây:
• Cả hai bên đều phải mang đến một số nguồn lực để hợp tác, có giá trị cho bên kia và vì lợi ích chung. Đó có thể là thông tin, nguồn nhân lực chuyên ngành, nguồn gen, kinh phí hoặc các phương tiện nghiên cứu.
• Cả hai bên cần có một mối quan tâm trùng lặp. Điều này không có nghĩa là mục tiêu hoặc kết quả đầu ra cần phải giống nhau đối với mỗi khu vực - khu vực tư nhân có thể nhằm vào việc gia tăng thị phần trong khi khu vực công có thể muốn đạt được sự tiến bộ trong phát triển nông thôn bền vững.
• Cả hai bên đều kỳ vọng vào một số lợi ích thực sự - một điều mà họ không thể đạt được theo cách rẻ, nhanh hoặc hiệu quả như vậy nếu như họ thực hiện riêng lẻ một mình.

Trong nguồn tài liệu của Ngân hàng Thế giới về các Hệ thống đổi mới sáng tạo nông nghiệp (World Bank, 2012), PPP được định nghĩa là những thỏa thuận để mang lại các kỹ năng bổ sung của khu vực công và tư nhân cho một chương trình hay dự án, trong đó mỗi đối tác có một mức độ tham gia và trách nhiệm khác nhau, với mục tiêu cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ công.

Phân loại PPP phục vụ đổi mới sáng tạo 
Có một số phân loại PPP được đề xuất dựa vào mục đích, mức độ thể thức, các quy định thể chế hay loại hình thành phần tham gia, mặc dù khả năng sự phân loại này có thể giúp phân tích hoạt động chức năng PPP và rút ra các bài học về điều kiện thành công không phải lúc nào cũng rõ ràng. Ví dụ, loại hình PPP vì mục đích đổi mới nông nghiệp theo Hartwich et al. (2005) đề xuất được dựa trên ba tiêu chí: bản chất của nghiên cứu (cơ bản, chiến lược hoặc thích nghi), bộ phận trong chuỗi thực phẩm (đầu vào, sản xuất cấp một, sau thu hoạch) và mức độ tham gia của khu vực tư nhân.

Ngân hàng Thế giới (2012) phân biệt PPP dựa vào phạm vi: PPP được thực hiện thông qua các dự án phát triển riêng lẻ, với một kết quả hay dịch vụ được dự kiến tương đối rõ ràng và cụ thể, trong đó đối tác tư nhân cung cấp bí quyết và giải pháp kỹ thuật; PPP được sử dụng để tạo ra ý tưởng và sáng kiến, trong đó khu vực công xác định các lĩnh vực và mục tiêu cụ thể (ví dụ như tăng trưởng nông nghiệp), và các liên minh chiến lược thường liên quan đến sự hợp tác lâu dài (mười năm hoặc hơn), với sự tham gia của các công ty đa quốc gia, hoặc nhóm các công ty (ví dụ như việc giới thiệu các tiêu chuẩn tối thiểu về xã hội và môi trường liên quan đến các nông sản hoặc lâm sản).

OECD phân biệt bốn loại hình PPP cho đổi mới dựa trên mục đích và sự phù hợp với các biện pháp chính sách đổi mới sáng tạo chính:
• PPP định hướng nhiệm vụ phù hợp với mua sắm công;
• PPP định hướng thị trường liên quan đến trợ cấp R & D doanh nghiệp;
• PPP định hướng mối quan hệ công nghiệp-khoa học để thực hiện R & D công cộng; và
• PPP định hướng cụm/mạng lưới nhằm hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho R & D doanh nghiệp (OECD, 2004).

Bốn loại PPP trên bao trùm một phạm vi rộng các dự án PPP cho đổi mới nông nghiệp: PPP để phát triển các công nghệ có thể được coi là định hướng nhiệm vụ; PPP để phát triển chuỗi giá trị thuộc loại định hướng thị trường. PPP cho R & D nông nghiệp thuộc loại định hướng mối quan hệ công nghiệp - khoa học; và PPP để phát triển các mạng lưới thuộc loại định hướng cụm/mạng lưới.

Cả định nghĩa và sự phân loại của OECD về PPP phục vụ đổi mới sáng tạo đều phù hợp với mục đích nghiên cứu PPP cho đổi mới nông nghiệp. Về định nghĩa, một vấn đề không liên quan đến PPP, đó là việc xác định ranh giới của đổi mới nông nghiệp, đứng trước các mối liên kết với các lĩnh vực nghiên cứu khác như công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT), công nghệ sinh học, công nghệ nano, sinh thái học, khí hậu học...

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 3459

Về trang trước Về đầu trang