Newsweek đưa tin, các nhà khoa học Nhật Bản đã chỉnh sửa gen trên gà mái để chúng đẻ ra trứng có sẵn thuốc trị ung thư, trong nỗ lực tìm cách giảm chi phí điều trị căn bệnh đắt đỏ này.
Những quả trứng được sinh ra từ những con gà chỉnh sửa gen này tạo ra một protein gọi là interferon, được sử dụng để điều trị viêm gan, đa xơ cứng và ung thư da ác tính.
Các bác sĩ sẽ tiêm vào bệnh nhân ung thư 3 lần mỗi tuần để có thể ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển, trong khi đó nó sẽ thúc đẩy tế bào T trong hệ miễn dịch chống lại khối u ung thư.
Tuy nhiên liệu pháp chữa trị này rất đắt đỏ, cần đến 250-900 USD để sản xuất chỉ vài microgram loại protein này.
Thí nghiệm trên là sự kết hợp của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến ở Osaka, Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp và Lương thực Quốc gia ở Ibaraki và công ty dược phẩm Cosmo Bio ở Tokyo thực hiện.
"Chúng tôi hi vọng kết quả thử nghiệm này sẽ dẫn đến việc phát triển các loại thuốc điều trị giá rẻ" - giáo sư Hironobu Hojo thuộc Đại học Osaka nói với báo Japan News.
Theo báo cáo của các nhà khoa học, những cô gà mái được chỉnh sửa gen hiện cứ 1 đến 2 ngày lại cho ra một mẻ trứng có chứa protein beta interferon.
Những nhà nghiên cứu này hy vọng với kỹ thuật này có thể được đưa vào ứng dụng đầu năm sau để tạo ra thuốc chống ung thư, chi phí sản xuất ban đầu giảm được một nửa so với thông thường. Hy vọng nó sẽ giảm xuống còn 10%.
Tuy nhiên, các quy định tại Nhật Bản có thể khiến việc này bị trì hoãn bởi loại trứng này cần phải được kiểm nghiệm nếu muốn được công nhận là dược phẩm.
Chi phí cao của thuốc ung thư khiến nhiều bệnh nhân không dám sử dụng thuốc. Một nghiên cứu công bố hồi năm ngoái cho thấy, trong 5 bệnh nhân thì có 1 người từ bỏ việc sử dụng thuốc ung thư vì không có khả năng chi trả.
Brian Bolwell, Chủ tịch Viện Ung thư Taussig tại Cleveland Clinic, cho biết: "Chi phí hàng tháng cho các loại thuốc ung thư mới, đặc biệt là liệu pháp miễn dịch hoặc dựa trên gen, đã tăng 77 lần kể từ năm 1975 ở Mỹ. Một loại thuốc duy nhất có thể tốn hơn 300.000 đô la mỗi năm".