Tin KHCN trong nước
TP. HCM: Đột phá trong thu hút đầu tư công nghệ cao (21/08/2017)
-   +   A-   A+   In  
Với nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, TP.HCM đang là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư nước ngoài với nhiều dự án lớn, trọng điểm.

Theo báo cáo của Khu Công nghệ cao TP. HCM (SHTP), hoạt động đầu tư tại SHTP trong 6 tháng đầu năm 2017 có nhiều điểm mới. Tính đến ngày 30-6, Ban quản lý SHTP đã cấp 16 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng số vốn 134,47 triệu USD; trong đó: 13 dự án trong nước với vốn đăng ký 112,77 triệu USD, 3 dự án FDI với vốn đăng ký 21,97 triệu USD. Như vậy, lũy kế đến nay, SHTP có 126 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư lũy kế đạt 6,485 tỷ USD (vốn đầu tư trong nước: 1,593 tỷ USD/80 dự án, vốn FDI: 4,891 tỷ USD/46 dự án).

Đến cuối tháng 6-2017, toàn khu đã có 66 dự án đi vào hoạt động, gồm 30 dự án FDI, 36 dự án trong nước. Số lao động tại các dự án FDI là 31.967 người, chiếm 88% tổng số lao động tại SHTP và tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2016. So với vài năm trước, số dự án đầu tư trong nước tại SHTP đã có những chuyển biến rõ rệt, tăng về chất lẫn lượng, nhờ sự tập trung phát triển doanh nghiệp Việt tại nơi đây.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh nghiệp hoạt động trong SHTP thực hiện vốn đạt 271,71 triệu USD, doanh thu đạt 3,44 tỷ USD - tăng 94% so với cùng kỳ năm 2016. Ước doanh thu cả năm 2017 đạt 12,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã nộp ngân sách 95,86 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016. Từ kết quả này, ước tính nộp ngân sách cả năm 2017 đạt 500 triệu USD.

Trong đó, có những dự án lớn, góp phần làm thay đổi hạ tầng cũng như tạo nên bộ mặt mới cho thành phố như: Dự án đóng gói và kiểm định chipset lớn nhất của Tập đoàn Intel (IPV), vốn đầu tư 1,04 tỷ USD với diện tích 46 ha.  Nhà máy được khởi công vào tháng 3/2007 và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 10/2010 với mục tiêu sản xuất màng mạch chip, bộ vi xử lý mang nhãn hiệu Intel, cung cấp các dịch vụ, giải pháp kỹ thuật cho tất cả các sản phẩm mang nhãn hiệu Intel tại Việt Nam.

Hay như Dự án của Tập đoàn Samsung với vốn đầu tư ban đầu 1,4 tỷ USD sau đó được điều chỉnh lên 2 tỷ USD. Dự án ngoài đóng góp 20% giá trị xuất khẩu hiện nay của TP.HCM, còn là cơ hội cho TP.HCM thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của Samsung và từng bước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu của TP.HCM.

Gần đây nhất là Dự án Nhà máy Nipro Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 300 triệu USD, ngoài mục tiêu sản xuất trang thiết bị y tế, dự án còn xây dựng trung tâm đào tạo -  là cơ sở giao lưu trao đổi kinh nghiệm với bệnh viện và các trung tâm y tế tại Việt Nam nhằm cải tiến các sản phẩm thích nghi với môi trường nói riêng và thị trường Đông Nam Á nói chung…

TP. HCM: Đột phá trong thu hút đầu tư công nghệ cao - ảnh 1

Xưởng thực hành cơ điện tử và robot tự động hóa tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP. HCM. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Đại diện Ban quản lý SHTP cho biết, dự kiến trong năm 2017, SHTP sẽ thu hút đầu tư 600 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 9 tỉ USD, tạo ra ít nhất 2- 3 sản phẩm tiêu biểu từ Chương trình Hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp trong SHTP...

Để đạt được kết quả trên, SHTP sẽ tập trung triển khai chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của doanh ngiệp công nghệ cao (CNC) nội địa và chương trình hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và phát triển từ các CNC trong nước, nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu cho TP.HCM trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và công nghệ sinh học; gia tăng thu hút chuyên gia trong, ngoài nước, nhất là lực lượng Việt kiều...

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 5073

Về trang trước Về đầu trang