Tin KHCN trong nước
Chưa có tiêu chuẩn chính thức về thành phố thông minh (11/08/2017)
-   +   A-   A+   In  
Một thành phố thông minh là gì?. Câu hỏi hoàn toàn tự nhiên nhưng cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất

Trong một vài năm trở lại đây khái niệm Thành phố thông minh (Smart City) ngày càng trở nên phổ biến, được tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng; nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo đề cập đến Thành phố thông minh diễn ra trên cả nước, một số tỉnh thành đã chủ động lập kế hoạch, đề án xây dựng Thành phố thông minh như Đà Nẵng, Bình Dương Tp. Hồ Chí Minh, Đà Lạt… Vậy thế nào là một thành phố thông minh?. Câu hỏi hoàn toàn tự nhiên nhưng cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất thế nào là Thành phố thông minh, mà chỉ xác định đây là một khái niệm mở.

Thành phố thông minh là gì? “Đến giờ chúng ta chưa có một tiêu chuẩn quốc gia chính thức về thành phố thông minh. Trong đó vấn đề thành phố thông minh là gì thì chúng ta vẫn còn chưa có” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Nguyễn Nam Hải cho biết.

Tổ chức viễn thông quốc tế thuộc Liên hiệp quốc (ITU-T) đã phân tích gần 100 định nghĩa và sử dụng chúng để đưa ra định nghĩa sau: “Thành phố bền vững thông minh là một thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả của hoạt động và dịch vụ đô thị, và tính cạnh tranh, đồng thời đảm bảo rằng nó đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường".

Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), một thành phố thông minh được mô tả là: tăng đáng kể tốc độ cải thiện tính bền vững và khả năng phục hồi; cải thiện về cơ bản cách thức gắn kết xã hội, áp dụng phương pháp lãnh đạo hợp tác, hoạt động dựa trên nguyên tắc và hệ thống thành phố, cũng như cách sử dụng dữ liệu và các công nghệ tích hợp; đưa được các dịch vụ và chất lượng cuộc sống đến người dân sống trong thành phố và có liên quan đến thành phố (dân cư, doanh nghiệp, du khách).

Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) chưa có định nghĩa chính thức về thành phố thông minh. Tuy nhiên, một khái niệm được đề cập trong báo cáo của Ủy ban chiến lược thị trường: “Một Smart City được định nghĩa là một hệ thống hiệu quả, bền vững và dễ sống của các hệ thống, được thiết kế cho người dân và được định hình bởi công dân, doanh nghiệp, tổ chức và những nhà phát triển công nghệ với mục đích tạo ra giá trị gia tăng.”

Theo Viện Tiêu Chuẩn Anh (BSI) thành phố thông minh là một thuật ngữ biểu thị sự tích hợp hiệu quả của hệ thống vật lý, kỹ thuật số và con người trong môi trường được thiết lập để tạo nên một tương lai bền vững, thịnh vượng và toàn vẹn cho các công dân."

Theo thông tin từ Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục TCĐLCL, thành phố thông minh là một khái niệm mới và một mô hình mới áp dụng thế hệ công nghệ thông tin mới, như vạn vật kết nối internet, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và tích hợp thông tin không gian/địa lý, nhằm tạo thuận lợi cho việc hoạch định, xây dựng, quản lý và các dịch vụ thông minh của thành phố. Việc phát triển đô thị thông minh có thể có lợi trong việc phát triển đồng bộ, công nghiệp hóa, thông tin hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp cũng như tính bền vững trong phát triển đô thị.

Mục tiêu chính cho việc phát triển thành phố thông minh là nhằm sự: Thuận tiện của các dịch vụ công; Sự nhạy bén trong quản lý đô thị; Khả năng tồn tại của môi trường sống; Sự thông minh của cơ sở hạ tầng; Tính hiệu lực lâu dài của mạng lưới an ninh.

Chưa có tiêu chuẩn quốc gia chính thức về thành phố thông minh - ảnh 1

Các đặc tính của thành phố thông minh

Theo mô tả một thành phố thông minh cỡ vừa của châu Âu, xác định một thành phố thông minh bằng cách sử dụng sáu đặc tính: Nền kinh tế thông minh, con người thông minh, quản trị thông minh, di chuyển thông minh, môi trường thông minh và cuộc sống thông minh. Họ sử dụng sáu khái niệm để mô tả các yếu tố cụ thể có thể là quan trọng khi mô tả về thành phố thông minh.

Các thành phố có một lịch sử lâu dài trong việc điều chỉnh những thay đổi về xã hội cũng như theo các yêu cầu và nhu cầu của công dân. Thực tế là các thành phố vẫn tiếp tục hoạt động, trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính và những thách thức khác, chứng tỏ rằng chúng luôn có khả năng thay đổi và tự thay đổi để liên tục đáp ứng nhu cầu của người dân.

Sự thông minh của một thành phố không phải là công nghệ gì mà là công nghệ đang được sử dụng như thế nào, như một phần của cách tiếp cận rộng hơn, để giúp thành phố hoạt động một cách hiệu quả, cả trong các hệ thống đơn lẻ cũng như trong toàn bộ hệ thống. Nó xây dựng trên nền tảng hiện có trong thành phố và cho phép thiết lập một tầm nhìn hấp dẫn hơn, theo một con hướng mới và hiệu quả hơn tới tương lai.

Do đó thành phố thông minh là kết quả của sự lãnh đạo thông minh, không chỉ từ các lãnh đạo thành phố, mà còn từ tất cả các công dân và các tổ chức trong thành phố mong muốn tạo ảnh hưởng và giúp thành phố trở nên tốt đẹp hơn.

Tất nhiên, các nhà lãnh đạo chính quyền địa phương có vai trò quan trọng bởi vì vai trò lãnh đạo cộng đồng của chính quyền địa phương cung cấp cho họ trách nhiệm bao quát về cách thức vận hành của thành phố. Đối với lãnh đạo chính quyền địa phương nói riêng, lãnh đạo thông minh là việc hỗ trợ những nỗ lực hợp tác của tất cả các tổ chức và công dân trong thành phố nhằm giải quyết những ưu tiên chính của thành phố bằng những cách thức hiệu quả nhất.

Vai trò của công nghệ trong thành phố thông minh là như một công cụ hỗ trợ sự hợp tác này, chẳng hạn như giúp thu thập và đưa ra những thông tin và bằng chứng có giá trị cũng như tự động hóa một số quá trình cơ bản.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 6933

Về trang trước Về đầu trang