Tin KHCN nước ngoài
Vệ tinh nhỏ nhất mở đường du hành giữa các vì sao (31/07/2017)
-   +   A-   A+   In  
Chế tạo thành công vệ tinh có kích thước siêu nhỏ là tiền đề cho những con tàu vũ trụ du hành giữa các vì sao. Dự án Breakthrough Starshot có những bước đi quan trọng đầu tiên khi đưa các vệ tinh nhỏ nhất từ trước đến nay vào quỹ đạo ngày 23/6, theo New Scientist.

Breakthrough Starshot được tỷ phú Yuri Milner người Nga đầu tư 100 triệu USD, nhằm mục tiêu phóng tàu vũ trụ siêu nhỏ với tốc độ bằng 20% vận tốc ánh sáng tới Alpha Centauri, hệ sao gần nhất cách Mặt Trời 4,37 năm ánh sáng.

Một tên lửa của Ấn Độ hồi tháng 6 mang theo 6 vệ tinh nhỏ, gọi là Sprite, vào trong không gian. Hai trong số chúng được gắn vào mặt bên của các vệ tinh lớn hơn là Venta Latvian và Max Valier của Italy. Sau khi hệ thống thông tin liên lạc được thiết lập, vệ tinh Max Valier sẽ giải phóng 4 Sprite còn lại để chúng tự quay theo quỹ đạo.

Mỗi vệ tinh Sprite là một bảng mạch hình vuông nặng 4 g với chiều dài mỗi cạnh là 3,5 cm. Tuy có kích thước nhỏ, Sprite mang khá nhiều công cụ như bộ vi xử lý máy tính, pin Mặt Trời, từ kế, con quay hồi chuyển, máy thu phát sóng vô tuyến để liên lạc với các nhà nghiên cứu trên Trái Đất.

Cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ nhận được tín hiệu từ một trong hai vệ tinh Sprite gắn vào mặt bên của vệ tinh lớn. Bốn vệ tinh còn lại chưa được giải phóng, do vệ tinh Max Valier không thể liên lạc với trung tâm điều khiển mặt đất. Nguyên nhân là do ăng-ten vô tuyến của nó không hoạt động nên không thể nhận lệnh giải phóng 4 vệ tinh mang theo.

Zac Manchester, người đứng đầu dự án Breakthrough Starshot tại Đại học Harvard, Mỹ, cho rằng một tín hiệu thu được cũng mang lại niềm vui chiến thắng. "Chúng tôi thực sự chỉ cố gắng đưa các vệ tinh lên quỹ đạo và giao tiếp với chúng. Đây là lần đầu tiên một vệ tinh với kích thước siêu nhỏ hoạt động", Manchester nói.

Trong tương lai gần, hàng trăm hoặc hàng nghìn vệ tinh Sprite sẽ được sản xuất hàng loạt và đưa vào vận hành, nhằm tạo ra mạng lưới rất lớn các cảm biến có kích thước nhỏ để nghiên cứu khí quyển và từ trường xung quanh Trái Đất. Avi Loeb, người đứng đầu ủy ban cố vấn dự án Breakthrough Starshot, cho biết điều này có thể xảy ra trong thập kỷ tới.

Dự án Breakthrough Starshot cũng có kế hoạch đi tới ngôi sao khác dựa vào StarChip, tàu vũ trụ có kích thước nhỏ giống như vệ tinh Sprite gắn với một cánh buồm nhẹ rộng 1 m. Cánh buồm này hoạt động dựa vào năng lượng cung cấp bởi các xung ánh sáng laser công suất cao phát ra từ máy móc trên mặt đất. Nhờ đó, tàu vũ trụ StarChip có thể tăng tốc lên 1/5 tốc độ ánh sáng.

Hệ thống như trên có thể tiếp cận Alpha Centauri, hệ thống sao gần Trái Đất nhất, chỉ trong hơn 20 năm. StarChips sẽ chụp ảnh và nghiên cứu ngôi sao Alpha Centauri cũng như các hành tinh bay xung quanh nó.

Nguồn: VnExpress

Số lượt đọc: 4115

Về trang trước Về đầu trang