Tin KHCN trong nước
Bàn giải pháp tiếp tục cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (14/07/2017)
-   +   A-   A+   In  
“Việc cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng GII 2017 là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng và Lãnh đạo Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của các Bộ Ngành hữu quan, đứng đầu là Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được Chính phủ giao làm đầu mối phối hợp với các Bộ Ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp”. Ông Dương Chí Dũng, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ khẳng định tại Hội thảo giới thiệu báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2017 do Bộ KH&CN tổ chức ngày 13/7/2017, tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có: ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Dương Chí Dũng, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ; ông Andrew Michael Ong, Giám đốc Văn phòng Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); ông Sacha Wunsch-Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO; đại diện các bộ, ngành, địa phương, cùng đại diện các đơn vị chức năng liên quan của Bộ KH&CN.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, thông qua Hội thảo, Bộ KH&CN mong muốn cùng các chuyên gia của WIPO, các bộ, ngành và địa phương làm rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu từ kết quả xếp hạng chỉ số GII năm 2017 và xác định các vấn đề đặt ra trong việc tiếp tục cải thiện các chỉ số. Qua đó sẽ là cơ sở giúp các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả nhiệm vụ cải thiện các chỉ số đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết 19-2017.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Theo công bố Báo cáo về Xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017, Việt Nam được xếp hạng 47 trên 127 quốc gia và nền kinh tế, tăng 12 vị trí so với năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam từng đạt được từ trước tới nay. Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (gồm 27 nước), Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016). Trong ASEAN, Việt Nam đã đứng thứ ba, sau Singapore và Malaysia, trên Thái Lan.

 

Kết quả trên cho thấy, cả hai nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra về đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2017 đều có các tiến bộ vượt bậc so với năm 2016. Nhóm chỉ số đầu vào tăng 8 bậc, trong đó hầu hết các nhóm chỉ số đều tăng bậc: thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng tăng và trình độ phát triển của thị trường tăng bậc. Nhóm chỉ số đầu ra tăng 4 bậc, trong đó đầu ra về tri thức và công nghệ tăng bậc. Các tiến bộ về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam ngày càng rõ nét trong 5 năm gần đây.


 

Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN Hoàng Minh báo cáo về chỉ  số ĐMST toàn cầu

 

 

Thứ trưởng khẳng định, để đạt được kết quả này trước hết là nhờ sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ và không thể không kể đến sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong việc tích cực cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trong nhiều lĩnh vực cũng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

 

Đại sứ Dương Chí Dũng nhận định, việc Bộ KH&CN tiến hành Hội thảo qua cầu truyền hình trực tiếp hôm nay là một minh chứng cho ý nghĩa và tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với đời sống của con người. Việc cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng GII 2017 là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng và Lãnh đạo Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của các Bộ Ngành hữu quan, đứng đầu là Bộ KH&CN được Chính phủ giao làm đầu mối phối hợp với các Bộ Ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp.

 

Thực tế cho thấy, Thụy Sỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về năng lực sáng tạo, vị trí mà nước này luôn giữ vững trong 7 năm trở lại đây, bên cạnh các “tâm điểm” sáng tạo như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số các quốc gia châu Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã nỗ lực cải thiện môi trường sáng tạo và thu được những kết quả quan trọng ở một loạt chỉ số quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và phát triển, tăng trưởng năng suất lao động, xuất khẩu công nghệ cao...

 

Việt Nam được đánh giá là nước vượt trội về chỉ số đổi mới sáng tạo so với trình độ phát triển, đứng đầu trong ASEAN về đầu tư cho giáo dục và thu được những kết quả tốt ở các chỉ số về tăng trưởng năng suất lao động, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. So sánh trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam giành điểm cao ở cả 7 trụ cột quyết định Chỉ số GII.

 

Trong 7 năm gần đây, thứ hạng của Việt Nam liên tục ở trong nhóm 12 nền kinh tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương, thuộc 7 nước đứng đầu nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Nếu năm 2012-2013, Việt Nam ở vị trí thứ 7, thì năm 2017 Việt Nam dẫn đầu trong Nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp, tiếp theo là Ukraine và Mông Cổ.

 

“Tôi đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết duy trì tăng trưởng ổn định thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng GII hàng năm và đề xuất thiết lập một diễn đàn để các nước/nền kinh tế chia sẻ kinh nghiệm, rút ra các bài học cần thiết nhằm mục đích tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia/nền kinh tế”.

Để phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của Việt Nam, theo Đại sứ, chúng ta cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bao gồm cả chính sách đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong nhiều năm qua, các cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ được tổ chức hàng năm tại Việt Nam đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân nhân, theo đó nhiều nhà sáng tạo của Việt Nam đã được WIPO trao giải thường. Chúng ta rất tự hào, khâm phục và ấn tượng về những công trình sáng tạo khoa học, công nghệ mà tác giả là những người nông dân, các em học sinh ở những vùng nông thôn xa xôi. Sự quan tâm và động viên kịp thời của các cơ quan chức năng đối với họ là rất cần thiết.

 

Đại sứ cũng kiến nghị Nhà nước nên tổ chức các chuyến nghiên cứu, khảo sát hoặc thiết lập các khuôn khổ hợp tác song phương với các tổ chức quốc tế như WIPO và các nước thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng GII nhằm học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về các bài học thành công, qua đó tranh thủ sự giúp đỡ họ.

 

 Chúng ta đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của WIPO dành cho Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và việc cải thiện vị thế của Việt Nam trong bảng xếp hạng GII nói riêng thông qua các hoạt động/dự án hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Một trong các dự án hỗ trợ kỹ thuật WIPO đang giúp Việt Nam là xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, trong đó bao gồm chính sách đổi mới sáng tạo. Chúng ta mong muốn và hy vọng tiếp tục nhận được sự trợ giúp của WIPO.

 

Tại địa bàn  Geneva, Thụy Sỹ, Phái đoàn luôn sẵn sàng hỗ trợ trong việc tổ chức các đoàn trong nước sang công tác tại Thụy Sỹ để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin với WIPO và các tổ chức quốc tế liên quan khác.

Qua các bài trình bày của chuyên gia WIPO, có thể thấy có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến xu hướng cải thiện Chỉ số GII của Việt Nam những năm qua và đặc biệt là năm 2017. Trong đó, có thể thấy những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt việc chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cải thiện thế chế, môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong nước đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

 

 

Các chuyên gia WIPO: “để tiếp tục cải thiện năng lực ĐMST, Việt Nam đặc biệt lưu ý tiếp tục cải thiện các nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng tri thức và công nghệ”

 

Chuyên gia của WIPO cho rằng, để tiếp tục cải thiện năng lực ĐMST quốc gia, thể hiện qua thứ hạng Chỉ số GII, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào và đầu ra của ĐMST, trong đó, đặc biệt lưu ý tiếp tục cải thiện các nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng tri thức và công nghệ.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, ngoài việc tiếp tục duy trì và nâng cao những kết quả đã được trong thời gian qua, Bộ KH&CN đề xuất những giải pháp tập trung cải thiện những chỉ số mà Việt Nam đang được xếp vào nhóm yếu, hoặc có xu hướng giảm trong những năm gần đây, cụ thể:

 

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả thực thi của các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về cải thiện thế chế, đặc biệt là Nghị quyết 01, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ, đến tất cả các cấp bộ, ngành, địa phương.

 

Thứ hai, xây dựng, trọng dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật mạnh. Trong đó, cần quan tâm đầu tư, phát triển các trường đại học theo định hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng nghiên cứu và hợp tác quốc tế, quan tâm đến việc phát triển các doanh nghiệp lớn có khả năng nghiên cứu và phát triển mạnh.

 

Thứ ba, tái cơ cấu các ngành nghề sản xuất, kinh doanh với định hướng nâng cao hàm lượng nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều hơn các việc làm thâm dụng tri  thức…

 

Thứ tư, tiếp tục coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia cùng với các giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là chủ thể đi đầu trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Cụ thể, cần tập trung quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học đăng ký sáng chế, hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên tài sản trí tuệ.

 

Thứ năm, có những giải pháp tăng cường các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường công nghiệp văn hoá toàn cầu.

 

“Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các bộ, cơ quan, địa phương với các hoạt động cụ thể như: Xây dựng Sổ tay hướng dẫn chi tiết về từng chỉ số GII; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chung cho các bộ, cơ quan và địa phương; Tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra tiến độ thực hiện, hướng dẫn trực tiếp tại một số bộ, ngành, địa phương; Phối hợp với chuyên gia WIPO và các tổ chức quốc tế để học hỏi về phương pháp và giải pháp cải thiện chỉ số GII”, Thứ trưởng cho biết thêm.

 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: “Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các bộ, cơ quan, địa phương với các hoạt động cụ thể ”

 

 

Ngay sau khi Nghị quyết 19-2017/NQ-CP được ban hành, với tư cách là đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về ĐMST do Chính phủ phân công, Bộ KH&CN đã khẩn trương phối hợp với chuyên gia của WIPO để tổ chức Hội thảo hướng dẫn cho các bộ, cơ quan, địa phương về Chỉ số GII (ngày 22/3/2017).

Bộ KH&CN cũng đã khẩn trương xây dựng Tài liệu hướng dẫn về định nghĩa, cách tính toán và nguồn dữ liệu của các chỉ số GII gửi các bộ, cơ quan, địa phương vào ngày 31/3/2017 (Công văn số 970/BKHCN-VCLCS). Bộ KH&CN đã gửi công văn số 2252/BKHCN-VCLCS ngày 10/7/2017 tới từng địa phương để hướng dẫn phối hợp với các bộ, cơ quan để triển khai cải thiện từng chỉ số. Bộ KH&CN đã tích cực đôn đốc một số bộ và đơn vị thuộc Bộ KH&CN để thống kê, thu thập thông tin và gửi các tổ chức quốc tế liên quan để WIPO và các tổ chức đồng tác giả có căn cứ xác thực trong đánh giá, xếp hạng GII năm 2017, đặc biệt là các dữ liệu liên quan tới NC&PT và SHTT.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Số lượt đọc: 5086

Về trang trước Về đầu trang