Tin KHCN trong tỉnh
Huyện Tân Thành: Nông dân mạnh dạn tiếp cận KHCN (22/05/2017)
-   +   A-   A+   In  

Những năm gần đây, huyện Tân Thành đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập từ nông nghiệp. Các mô hình này đã góp phần giúp người dân vùng nông thôn của huyện Tân Thành ổn định cuộc sống và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Khu vườn của gia đình ông Đinh Nam Soan (tổ 1, thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha, huyện Tân Thành) rộng 2,8ha vừa trồng trọt vừa chăn nuôi. 8 giờ sáng hàng ngày, ông Soan khoác chiếc áo màu xanh đậm, đi đôi ủng, bước qua hồ nước khử trùng trước khi mở khóa vào cho heo ăn. Trại heo lai rừng của ông Soan có quy mô 50 con heo thịt, 12 con heo nái và khoảng 50 con heo nhỏ. Trong khi giá heo thường đang giảm mạnh, thì heo lai rừng của ông Soan vẫn đang giữ mức giá ổn định 130.000 đồng/kg heo hơi mà vẫn không đủ để bán.

Ông Soan cho biết, sở dĩ để bán được giá cao và có đầu ra ổn định như vậy là nhờ ông nuôi heo lai rừng bằng công nghệ hữu cơ sinh học chuẩn VietGap. Theo đó, thức ăn chính của heo là các loại ngô, cám, mì ủ lên men 24 tiếng (được gọi là men vi sinh). Ngoài ra, mỗi ngày ông cho heo ăn thêm 70kg các loại rau muống, rau khoai, rau dền, rau sâm… sẵn có trong vườn. Đặc biệt, đàn heo lai rừng trong chuồng trại của ông Soan được nuôi trên nền đệm lót sinh học. Phương pháp này giúp giảm bệnh cho heo, giảm chi phí chăm sóc chuồng trại, đặc biệt là giảm mùi hôi. Cứ 6 tháng 1 lần, toàn bộ lượng phân heo đã phân hủy, ông Soan lấy để bón 3.000m2 rau các loại.

Ngoài trồng các loại rau cho heo ăn, ông còn trồng hẹ để bán ra thị trường. Ông Soan cho biết, khoảng 1,5 tháng, hẹ lại cho thu hoạch 1 lần. Mỗi tháng ông Soan thu được khoảng 12 triệu đồng từ tiền bán hẹ. Bên cạnh đó, ông Soan cũng đào 6.000m2 làm ao để nuôi cá tra, mỗi năm thu hoạch khoảng 6-7 tấn. Ông Soan nói: “Với cách làm kết hợp vườn - ao - chuồng như hiện nay, tôi muốn khẳng định rằng, tất cả mọi người dân đều có thể sản xuất được sản phẩm sạch từ quy mô nhỏ lẻ đến quy mô lớn, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường mà vẫn bảo đảm hiệu quả kinh tế”.

Ông Đinh Nam Soan (xã Châu Pha, huyện Tân Thành) nuôi heo lai rừng theo chuẩn VietGAP. Ảnh: MINH TÂM

Anh Nguyễn Văn Quang (ấp 1, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) ngoài vai trò là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã Tóc Tiên, anh còn là chủ một trại nuôi cá diêu hồng có quy mô lớn. Anh Quang cho biết, anh bắt đầu nuôi cá diêu hồng từ 5 năm trước. Loại cá này tuy khó nuôi (thường thích hợp với hình thức nuôi trong lồng bè) nhưng hiện anh Quang đã ứng dụng kỹ thuật nuôi cá diêu hồng trong ao đất thành công. Theo đó, ao nuôi được anh thực hiện các bước cải tạo theo tuần tự như bơm cạn nước, vét bùn nền đáy ao, bón vôi khử phèn độc tố tiềm tàng trong ao với liều lượng từ 10 -15 kg/100m2, phơi ao khoảng 1 tuần rồi tiến hành cấp nước sạch vào ao qua cống có ngăn lưới ở miệng không cho cá tạp và cá dữ vào ao nuôi. Với diện tích ao 1.000m2, độ sâu từ 0,8 -1,5m, anh Quang thả 10.000 con cá giống, sau 7 tháng thu hoạch 1 lần, anh thu được trung bình khoảng 3 tấn/vụ. Với giá bán 28-30.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi vụ anh thu được 90-100 triệu đồng. Anh Quang nói: “Nuôi cá diêu hồng là nghề tay trái nhưng cũng giúp nhiều hộ gia đình ở xã Châu Pha, trong đó có gia đình tôi tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Còn tại trang trại bưởi da xanh của anh Nguyễn Văn Thắng (xã Sông Xoài, huyện Tân Thành) rộng khoảng 3ha, được quy hoạch khoa học với mật độ cây trồng hợp lý. Theo anh Thắng, vì sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP nên anh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cây mà chủ yếu nuôi kiến vàng để diệt sâu hại. Với quy trình VietGAP thì ngày tháng sử dụng, loại, liều lượng phân bón, phương pháp bón phân đều phải ghi chép rõ ràng. Anh Thắng chia sẻ: “Khu vườn được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, được kiểm tra và chăm bón đúng kỹ thuật nên hiệu quả rất cao. Với giá bán từ 45-65.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, vườn bưởi nhà tôi mỗi năm lãi khoảng 200 triệu đồng”.

Theo UBND xã Sông Xoài những năm gần đây, bưởi da xanh được mùa, được giá, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/người/năm. Đến nay, xã Sông Xoài có 120ha bưởi da xanh. Hơn một nửa diện tích trồng bưởi đã cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm đạt 20 tấn/ha. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, xã sẽ mở rộng diện tích trồng bưởi lên 400ha, sản lượng 1.000 tấn/năm. Ngoài xã Sông Xoài, huyện Tân Thành đã mở rộng thêm 90ha bưởi da xanh ở xã Hắc Dịch và 8ha ở xã Châu Pha.

Ông Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Thành cho biết, hiện nay nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân vùng nông thôn. Đặc biệt là các xã Sông Xoài, Châu Pha, Tóc Tiên… ngành chăn nuôi - trồng trọt chiếm 70-80% dân số của các xã. Trong đó, có nhiều mô hình chăn nuôi - trồng trọt đã góp phần đáng kể vào tăng nguồn thu nhập cho nông dân (trung bình từ 40-42 triệu đồng/người/năm), giúp người nông dân vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, từng bước thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 7540

Về trang trước Về đầu trang