Tin KHCN trong nước
Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh” (11/05/2017)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 10/5, tại Khách sạn InterContinental Asiana Saigon (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh), Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Văn phòng Hội đồng Chính sách khoa học& công nghệ Quốc gia phối hợp với Công ty TNHH Thương mại& Đầu tư phát triển công nghệ (TECHPRO) và Tập đoàn Advantech (Đài Loan) tổ chức Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh”.

Trải qua chiều dài lịch sử, các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong sản xuất, tiêu dùng và kết cấu xã hội trên toàn thế giới. Giờ đây, nhân loại đang bước vào cuộc CMCN lần thứ tư (Fourth Industrial Revolution, viết tắt là FIR). Trong đó, máy tính và tự động hóa được kết hợp theo cách thức hoàn toàn mới. Trong cuộc cách mạng này, robot kết nối từ xa với hệ thống máy tính được trang bị thuật toán máy học (machine learning). Hệ thống này có thể học và kiểm soát robot mà không cần sự can thiệp quá nhiều của con người.

Nói cách khác, FIR là sự kết hợp giữa các hệ thống thực - ảo (cyber-physical system - CPS), Internet kết nối vạn vật (IoT) và hệ thống kết nối Internet (IoS). CMCN dẫn đến sự ra đời của “nhà máy thông minh”, nơi CPS giám sát những tiến trình diễn ra ngoài đời thực và tự đưa ra quyết định. Các hệ thống sản xuất sẽ trở thành IoT, có khả năng giao tiếp và cộng tác với nhau cũng như với con người thông qua web không dây theo thời gian thực.

Giải pháp tốt nhất cho bài toán rút ngắn thời gian sản xuất, giảm chi phí và cải thiện chất lượng sản phẩm là sử dụng những công nghệ mới - một sự khởi đầu của nền công nghiệp lần thứ tư. Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: “Làn sóng công nghệ mới sẽ tạo ra các tác động cả về phía cung và phía cầu sản phẩm, dịch vụ. Từ đó, tạo ra sự phát triển của các nền tảng công nghệ mới, thay thế dần cấu trúc ngành công nghiệp hiện có. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ cũng cho phép tạo ra các sản  phẩm,dịch vụ với đầu tư ban đầu có thể không lớn, nhưng lợi nhuận thu về cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hình thành.”

Sau bài phát biểu khai mạc của Ông Trần văn Tùng, là bài thuyết trình của PGS.TS Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng – Thứ trưởng Bộ Công An về nội dung “Công nghiệp 4.0 và tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam qua nghiên cứu trường hợp Hải Phòng”; PGS.TS Tạ Cao Minh – phó chủ tịch- kiêm tổng thư ký Hội tự động hóa Việt Nam về nội dung “Định hướng phát triển ngành tự động hóa trong kỷ nguyên Industry 4.0”; và bài thuyết trình của đại diện doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ của Hội thảo, ngoài phần thuyết trình của các chuyên gia còn có 2 tọa đàm “Làm thế nào để nền công nghiệp Việt Nam tăng tốc hướng tới kỷ nguyên Industry 4.0” và “Hướng tới sự thành công cùng cộng đồng nhà cung cấp” với sự tham gia của nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp trong khu vực.

Hội thảo đã tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam tiếp cận xu hướng công nghiệp 4.0 với những ưu điểm, lợi ích và những thách thức, cùng với những chính sách của Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khi đổi mới công nghệ để ứng dụng công nghiệp 4.0 trong sản xuất.

Nguồn: Lê Huệ - bavutex

Số lượt đọc: 7110

Về trang trước Về đầu trang