Tin KHCN trong tỉnh
Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho HS trung học: Nhiều sản phẩm giàu thực tiễn (16/03/2017)
-   +   A-   A+   In  

Áp dụng những nguyên lý, tính chất cơ bản từ các bộ môn khoa học trong nhà trường, các HS THCS, THPT đã nghiên cứu sáng tạo ra những sản phẩm khoa học kỹ thuật (KHKT) có ích trong cuộc sống. Đó là kết quả thu được từ Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia khu vực phía Nam dành cho HS trung học năm 2016-2017 diễn ra từ ngày 13 đến 16-3 tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

MỘT SỐ SẢN PHẨM ĐÃ ĐƯỢC ỨNG DỤNG

Theo ghi nhận của PV, các dự án tham gia Cuộc thi được thực hiện bài bản, đầu tư công phu. Phần lớn các dự án nghiên cứu tập trung lĩnh vực sinh học, hóa học, kỹ thuật, y sinh-khoa học sức khỏe. Nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ trực tiếp công việc lao động sản xuất như: Đập ngăn mặn thông minh nhóm HS trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (Hậu Giang). Sản phẩm hiện đang được ứng dụng hiệu quả trong việc ngăn nước mặn xâm nhập vào vườn cây ăn trái và ruộng lúa tại khu vực các em sinh sống; Sản phẩm cải tiến xe tự động hóa quy trình thu gom xúc, sàng, đóng bao các loại nông sản và vật liệu dạng hạt của nhóm HS trường THCS Cao Bá Quát (Đắk Lắk) đã được ứng dụng tại một số hộ nông dân, hợp tác xã trong công việc phơi thu gom nông sản. Hay các dự án nghiên cứu sản phẩm nước rửa chén hữu cơ của em Lê Đức Hải, HS THPT chuyên Lê Quý Đôn (BR-VT); thực phẩm chức năng từ cao râu bắp và mía lau của nhóm HS THPT Phạm Văn Đồng (Đắk Lắk); tinh dầu đuổi ruồi, muỗi từ lá bình bát nước của nhóm HS THPT Nguyễn Khuyến (An Giang)...

Một số dự án lĩnh vực y khoa có ý tưởng hay, mới lạ, phục vụ công tác chăm sóc, phục hồi cho bệnh nhân. Chẳng hạn dự án Thiết bị cảnh báo sớm cơn co giật động kinh của nhóm HS trường THPT Lê Hồng Phong (TP.Hồ Chí Minh) là 1 chiếc đồng hồ đeo tay đo nhịp mạch và độ đáp ứng điện da, tích hợp tai nghe đo thân nhiệt, giúp người thân bệnh nhân dễ dàng phát hiện sớm cơn co giật động kinh thông qua tín hiệu được gửi đến điện thoại thông minh. Thiết bị đã được thực nghiệm và được các bác sĩ, bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng I đánh giá cao. Hay sản phẩm cải tiến ghế kéo cột sống cổ bằng lò xo dành cho bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ, đau vai gáy phục hồi chức năng do em Nguyễn Thiện Luận, HS trường THPT Chu Văn An (tỉnh Ninh Thuận) thực hiện. Sản phẩm của em đã được chứng nhận của Hội đồng Y khoa Ninh Thuận và được phép ứng dụng trên bệnh nhân.

Em Hoàng Vũ Dạ Quỳnh, HS trường THPT Bắc Trà My (Quảng Nam) giới thiệu dự án “Người nộm đuổi chim” tại Cuộc thi KHKT cấp Quốc gia khu vực phía Nam năm học 2016-2017. Ảnh: KHÁNH CHI.
Em Hoàng Vũ Dạ Quỳnh, HS trường THPT Bắc Trà My (Quảng Nam) giới thiệu dự án “Người nộm đuổi chim” tại Cuộc thi KHKT cấp Quốc gia khu vực phía Nam năm học 2016-2017. Ảnh: KHÁNH CHI.

HỌC SINH KHUYẾT TẬT GÂY CHÚ Ý VỚI DỰ ÁN ROBOT THÔNG MINH

Đáng chú ý nhất tại Cuộc thi là dự án Robot và máy thông minh do nhóm HS lớp 10 trường THPT Marie Curie (TP.Hồ Chí Minh) thực hiện. Đây là một dự án mang tính khoa học cao, độc đáo. Đặc biệt hơn, em Trần Phan Thanh Hải chủ nhiệm đề tài là một HS bị liệt từ nhỏ, luôn phải có sự hỗ trợ của người thân trong mọi sinh hoạt hằng ngày kể cả đi lại.

Có mặt cùng em tại cuộc thi, mẹ Hải cho biết, năm lên 10 tuổi em bắt đầu tìm tòi nghiên cứu khoa học với mong ước thiết kế những sản phẩm KHKT hỗ trợ cho người khuyết tật. Robot máy thông minh ra đời từ ý tưởng đó. Việc thiết kế ra một “chú” robot đã là một việc khó, đây lại một robot có khả năng nhớ lại những công việc đã được lập trình trước đó để có thể tự làm công việc mà không cần đến người điều khiển. Hải bày tỏ: “Em muốn sáng tạo ra robot này trước hết là để hỗ trợ bản thân mình những công việc sinh hoạt hằng ngày, đỡ nhọc nhằn cho mẹ. Những người khuyết tật như em sẽ tự tin hơn trong cuộc sống, không cảm thấy mình phụ thuộc, hay là gánh nặng của gia đình. Hơn nữa, robot còn có thể ứng dụng thay thế con người những công việc lao động tay chân trong môi trường độc hại, vừa có thể giúp việc nhà”.

QUAN TÂM BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Cuộc thi năm nay cũng có nhiều dự án về bảo vệ môi trường lọt vào chung cuộc, được đánh giá cao về tính khả thi. Đơn cử, dự án “Xe vệ sinh bãi biển sử dụng năng lượng mặt trời” của em Nguyễn Hồng Văn, HS lớp 10 chuyên Anh, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có những tính năng ưu việt, như: vượt được địa hình phức tạp, sử dụng pin năng lượng mặt trời với tấm pin năng lượng tự động đổi hướng để tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên, ít tạo tiếng ồn, khói bụi... Với các nguyên vật liệu như sắt, i-nox không rỉ, pin tích điện năng lượng mặt trời, động cơ, băng chuyền,... Hồng Văn vận dụng các kiến thức Vật lý đã học, cùng những kiến thức tự tìm hiểu qua internet để sáng chế chiếc xe vệ sinh bãi biển với nguyên lý hoạt động đơn giản nhưng mang hiệu quả cao, dễ bảo dưỡng, bảo trì. Dự án “Sử dụng chip Peltier để tạo nước từ không khí” của nhóm HS trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), nghiên cứu cách “biến” không khí thành nước theo nguyên lý không khí được hút vào khoang ngưng tụ, tiếp xúc với miếng nhôm tản nhiệt được làm lạnh bởi hệ thống chip Peltier và quạt kép lõi đồng. Nước sẽ ngưng tụ trên mặt tấm nhôm rồi chảy xuống máng nano.

Đánh giá, nhận xét về các dự án tham gia cuộc thi, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, nhiều dự án có chất lượng cao, đề tài mới mẻ, độc đáo, có sự đầu tư cả về thời gian, công sức, kinh phí. Các dự án này thể hiện sự nhạy bén trong việc phát hiện đề tài, bắt kịp nhu cầu của cuộc sống, quá trình nghiên cứu đề tài cho thấy nhiều em đã bộc lộ phẩm chất và năng lực nghiên cứu khoa học.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 5482

Về trang trước Về đầu trang