Tin KHCN trong nước
Việt Nam đang từng bước cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo (15/03/2017)
-   +   A-   A+   In  

Nghị quyết 19/2017/NQ-CP tái khẳng định vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của quốc gia, đồng thời chỉ ra việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có liên hệ và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh về vai trò của Bộ trong việc thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để từng bước góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, cải thiện các chỉ số quốc gia về đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thang đo quốc tế.

- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu?

- Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang lại những cơ hội lớn cũng như những thách thức thực sự cho Việt Nam. Do đó, đây là thời điểm yếu tố về năng lực sáng tạo cần thể hiện đúng vai trò của mình đối với sự vận động và phát triển của nền kinh tế, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới: Một quốc gia phát triển phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chứ không phải dựa vào vốn, tài nguyên, lao động như hiện nay.

Chỉ số đổi mới toàn cầu (Global Innovation Index - GII) là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia hay nền kinh tế, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Trường Kinh doanh INSEAD (Pháp) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007. Phương pháp đánh giá được liên tục hoàn thiện nhằm có được một bộ công cụ đo lường hệ thống đổi mới sáng tạo cấp quốc gia hay nền kinh tế. Bộ công cụ đánh giá này tốt hơn, phong phú và xác đáng hơn so với các thước đo đổi mới sáng tạo truyền thống như số lượng các bài báo nghiên cứu được công bố, số đăng ký bằng độc quyền sáng chế hay các mức chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển.

Trong đánh giá của Tổ chức WIPO, đổi mới sáng tạo được hiểu theo nghĩa rộng, theo đó đổi mới sáng tạo không chỉ là đổi mới sáng tạo dựa trên nghiên cứu và phát triển mà còn là những đổi mới sáng tạo không dựa trên nghiên cứu và phát triển và bao trùm cả đổi mới về tổ chức, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người dân... 

Đánh giá của Tổ chức WIPO thể hiện quan điểm năng lực đổi mới sáng tạo của một quốc gia có liên hệ mật thiết với trình độ phát triển và hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia đó, cùng sự kết nối với các quốc gia khác, nền kinh tế khác.

Tổ chức WIPO tính toán chỉ số đổi mới sáng tạo từ số đo của 7 trụ cột, mỗi trụ cột lại được tích hợp từ số đo của 3 nhóm nhỏ, mỗi nhóm nhỏ bao gồm từ 2 đến 5 chỉ số, tổng thể có khoảng 70-80 chỉ số đơn lẻ và chỉ số này thay đổi tùy từng năm. 7 trụ cột để tính chỉ số đổi mới sáng tạo gồm: Thể chế; Nguồn nhân lực và nghiên cứu; Cơ sở hạ tầng; Sự tinh tế của thị trường; Sự tinh tế của giới doanh nghiệp; Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo. Theo đó, trung bình 5 chỉ số đầu tiên cho kết quả số đo chỉ số đầu vào của đổi mới sáng tạo (Innovation Input Sub-Index), còn trung bình số đo của 2 nhóm vấn đề cuối cùng là chỉ số đầu ra của đổi mới sáng tạo (Innovation Output Sub-Index). Như vậy chỉ số đầu vào và đầu ra của đổi mới sáng tạo là số đo của đổi mới sáng tạo tương ứng với mỗi quốc gia hay nền kinh tế.

- Xin Thứ trưởng cho biết Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam?

- Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Nghị quyết 19/2017/NQ-CP đưa ra tới 250 chỉ tiêu liên quan đến môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh và chính quyền điện tử, trong khi các phiên bản trước (từ năm 2014 đến 2016) chỉ nhấn mạnh tới 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh theo Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Điều này một lần nữa cho thấy ý nghĩa to lớn của việc cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia GCI và Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu GII.

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá mạnh ở các chỉ số thuộc nhóm Đầu ra của đổi mới sáng tạo gồm sản phẩm của tri thức và công nghệ; sản phẩm sáng tạo. Theo đó, điểm số và thứ hạng của Việt Nam về đổi mới sáng tạo trong 3 năm gần đây như sau: năm 2014 đạt 34,89 điểm (xếp hạng 71); năm 2015: 38,35 điểm (xếp hạng 52); năm 2016: 35,37 điểm (xếp hạng 59). 

Việc Việt Nam đạt thứ hạng cao ở chỉ số “Hấp thụ tri thức," "Dòng vốn đầu tư nước ngoài" cũng như “Lan truyền tri thức" hay “Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa"... do Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài. 

Bên cạnh những thành công, Việt Nam vẫn còn yếu ở nhóm chỉ số về “môi trường kinh doanh," "xếp hạng các đại học," "việc làm thâm dụng tri thức," "tỷ lệ lao động nữ có trình độ," "đăng ký sáng chế quốc tế PCT," "xuất khẩu dịch vụ ICT," "nhập khẩu dịch vụ ICT"...

Có thể nói, thứ hạng về môi trường cạnh tranh của Việt Nam năm 2016 có sự cải thiện tốt, thứ hạng trong xếp hạng Chính phủ điện tử cũng tăng so với năm 2014, nhưng việc giảm thứ hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh cho thấy Việt Nam cần nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực để đạt mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4.

- Xin Thứ trưởng cho biết nhiệm vụ cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 19/2017/NQ-CP?

- Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực đổi mới sáng tạo có mối quan hệ mật thiết và có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng năm 2020, đã đưa nhiệm vụ cải thiện các chỉ số về đổi mới sáng tạo với những mục tiêu như: Đến năm 2020, các chỉ số đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) đạt trung bình ASEAN 5. 

Cụ thể, nhóm chỉ tiêu về Thể chế đạt tối thiểu 55 điểm (hiện nay là 51,7 điểm); nhóm chỉ tiêu Nguồn nhân lực và nghiên cứu đạt tối thiểu 31 điểm (hiện nay là 30,1 điểm); nhóm chỉ tiêu về Cơ sở hạ tầng đạt tối thiểu 43 điểm (hiện nay là 36,7 điểm); nhóm chỉ tiêu về Trình độ phát triển của thị trường đạt tối thiểu 51 điểm (hiện nay 43,0 điểm); nhóm chỉ tiêu về Trình độ phát triển kinh doanh đạt tối thiểu 35 điểm (hiện nay là 30,6 điểm). Đây là nhóm chỉ số đầu vào đổi mới sáng tạo vốn được đánh giá là còn yếu của Việt Nam.

Để cải thiện các chỉ số về đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đặc biệt là các chỉ số thuộc nhóm trụ cột chỉ số đầu vào, Chính phủ đã phân công trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc chủ trì cải thiện từng chỉ số cụ thể (với 82 chỉ số đổi mới, sáng tạo theo báo cáo GII 2016). Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chủ động tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực trong đánh giá, xếp hạng. 

Các bộ, ngành, địa phương đã phân công đơn vị cụ thể chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo, xây dựng giải pháp và kế hoạch thực hiện cụ thể; phân công cán bộ đầu mối phụ trách theo dõi việc thực hiện, phối hợp và báo cáo kết quả thực hiện hàng quý cho Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP (Quyết định số 289/QĐ-BKHCN ngày 24/2/2017). Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã trao đổi và làm việc với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) để tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo, dự kiến ngày 22/3 tới để cung cấp thông tin cần thiết cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả các giải pháp cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo trong nước.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: vietnamplus.vn

Số lượt đọc: 3746

Về trang trước Về đầu trang