Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy hợp tác và hội nhập khoa học và công nghệ trong Năm APEC Việt Nam 2017 (14/03/2017)
-   +   A-   A+   In  

Sự thành công của năm APEC Việt Nam 2006 có phần đóng góp không nhỏ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thông qua việc chủ động đề xuất nhiều ý tưởng dự án cũng như bảo vệ và tổ chức thành công các dự án này trong khuôn khổ các diễn đàn chuyên môn tại các Tiểu ban và Nhóm công tác của APEC mà Bộ KH&CN là thành viên.

“Năm APEC 2006 do Việt Nam đăng cai và chủ trì đã thành công rực rỡ, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam tại Diễn đàn hợp tác kinh tế lớn nhất thế giới”- đó là khẳng định trong Báo cáo tổng kết năm APEC Việt Nam 2006 của Ủy ban Quốc gia về APEC Việt Nam 2006. 11 năm sau, năm 2017, Việt Nam lần thứ hai được đăng cai APEC.

 

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho các tổ chức và cá nhân có đóng góp xuất sắc trong năm APEC 2006 (Ảnh tư liệu)

 

Phát huy kinh nghiệm tổ chức và các bài học thành công của năm APEC Việt Nam 2006, tại Thủ đô Lima của Peru tháng 11/2016, trước toàn thể Lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định: “Đăng cai năm APEC 2017 là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020”. Chắc chắn, Lãnh đạo các bộ/ngành và địa phương trong đó có Bộ KH&CN đều hướng năm APEC Việt Nam 2017 như một hoạt động trọng tâm đối ngoại của bộ/ngành hay địa phương mình. Bộ KH&CN hiện tham gia sâu trong Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC), Nhóm Chuyên gia về Sở hữu trí tuệ - IPEG thuộc Ủy ban Thương mại và Đầu tư của APEC và Nhóm Cơ chế Đối tác Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (PPSTI) thuộc Ủy ban chỉ đạo SOM về hợp tác kinh tế - kỹ thuật của APEC.

 

Là Nền kinh tế chủ nhà của Diễn đàn APEC năm 2017, chúng ta có nhiều lợi thế. Tổ chức và khai thác tốt các lợi thế của Chủ nhà và nguồn lực của APEC sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác và hội nhập khoa học của Việt Nam trong khu vực nói chung và hình ảnh của Bộ KH&CN Việt Nam nói riêng đối với các bạn bè quốc tế cũng như đối với người dân, các bộ ngành và Chính phủ Việt Nam. Không dễ và tốn khá nhiều kinh phí để có thể mời được tư lệnh các bộ/ngành hay các chuyên gia cao cấp đến Việt Nam tham gia các hội nghị bàn tròn, hội nghị, hội thảo để thảo luận những vấn đề mà hiện tại Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển là thành viên APEC quan tâm như: “Làm thế nào để các nước đang phát triển không bỏ lỡ các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như đã từng lỡ đối với 3 cuộc cách mạng trước đó”; “Ngoại giao khoa học- cách tiếp cận mới trong hợp tác quốc tế về KH&CN”; “Các thách thức của hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên số hóa/ Công nghiệp 4.0” và “Hoạt động tiêu chuẩn hóa trong kỷ nguyên tự động hóa thông minh/ kết nối của vạn vật” và nhiều vấn đề chuyên môn khác nữa... Với lợi thế của vị trí Chủ nhà năm APEC 2017, các mong muốn nêu trên của Việt Nam là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu chúng ta tổ chức tốt và tích cực, chủ động biến các mong muốn trên thành hiện thực, trước hết là những ý tưởng dự án (concept note) xin tài trợ từ APEC.

 

Hàng năm, APEC có 2 đợt tiếp nhận và phê duyệt các dự án vào tháng 2 hoặc tháng 3 cho đợt 1 và vào tháng 5 hoặc tháng 6 cho đợt 2. Các dự án của APEC mang tính cạnh tranh cao vì nguồn kinh phí có hạn. Tổng kinh phí cho các dự án của APEC dành cho đợt 1 của năm 2017 là 8.294.000 USD. Hạn nộp ý tưởng dự án cho đợt 1 năm 2017 là ngày 08/3/2017. Dự án APEC phải được xây dựng phù hợp với các quy định của APEC (Guidebook on APEC Projects).

 

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế là đơn vị chuyên trách về hoạt động hội nhập KH&CN thuộc Bộ KH&CN. Trong năm APEC Việt Nam 2017, để đóng góp cho hoạt động APEC của Bộ, Trung tâm đã xây dựng và đề xuất 02 ý tưởng dự án (concept note) liên quan đến “ngoại giao khoa học” xin tài trợ từ APEC. Ngoại giao khoa học- Science Diplomacy là cách tiếp cận rất mới về hợp tác và hội nhập KH&CN, trong đó KH&CN vừa là công cụ vừa là mục tiêu của các hoạt động ngoại giao nói chung và hợp tác hay hội nhập nói riêng. Trung tâm sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn các đơn vị việc đề xuất các dự án xin tài trợ từ APEC nếu có nhu cầu. Địa chỉ liên hệ: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế- 39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội (email: vistip1@most.gov.vn).

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4107

Về trang trước Về đầu trang