Tin KHCN nước ngoài
Thuốc trị sốt rét có thể chữa ung thư não (03/02/2017)
-   +   A-   A+   In  

Loại thuốc này thậm chí có hiệu quả trên cả những khối u đã kháng lại phương pháp hóa trị.

Xuất hiện tia hy vọng mới trong lĩnh vực chữa trị bệnh ung thư não khi các nhà khoa học vô tình nhận ra được hiệu quả bất ngờ trong việc hỗ trợ tiêu diệt khối u của một loại thuốc chuyên dùng để điều trị… sốt rét.

 

Loại thuốc chloroquine chống sốt rét đã được sử dụng như biện pháp cuối cùng để chữa trị cho 3 bệnh nhân bị mắc bệnh ung thư não. Và chúng đã phát huy hiện quả bất ngờ đến mức có thể hỗ trợ tiêu diệt được cả những tế bào ung thư đã kháng thuốc.

 

Chloroquine đã làm cho lớp phòng thủ vững chắc nhất của các tế bào ung thư kháng thuốc bị phá hủy. Từ đó chúng dễ dàng bị tổn thương và tiêu diệt bởi các phương pháp điều trị thông thường.

 

"Chúng tôi đã điều trị cho 3 bệnh nhân với nhiều phương pháp tổng hợp, trong đó có sử dụng thuốc chống sốt rét. Và cả 3 bệnh nhân này đều có những tiến triển đáng ngạc nhiên”, theo lời bác sĩ chuyên khoa nhi Jean Mulcahy-Levy đến từ Đại học Colorado cho biết.

 

Cô Lisa Rosendahl, một bệnh nhân ung thư não giai đoạn cuối vừa mới 26 tuổi. Các chẩn đoán trước đó cho rằng cô chỉ còn sống được một vài tháng. Các tế bào ung thư trong não của cô đã phát triển khả năng đề kháng với phương pháp hóa trị liệu và nhiều phương pháp điều trị tăng cường khác.

 

Rosendahl cuối cùng phải tiêm một loại chất ức chế ung thư có tên là vemurafenib. Nhưng cũng giống như những loại thuốc khác, khối u trong não của cô trở nên sớm thích ứng và đề kháng với nó.

 

Điều này đã khiến cho các bác sĩ điều trị cho Rosendahl quyết định thử một cách tiếp cận khác. Họ nhắm đến việc ức chế quá trình tự thực (autophagy) của tế bào ung thư để tiêu diệt chúng.

 

Autophagy là một quá trình bình thường bên trong cơ thể. Nhờ quá trình này mà các tế bào bị chết hoặc hư hỏng có thể được loại bỏ để nhường chỗ cho những tế bào mới được tạo ra. Bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, thuật ngữ này có nghĩa đen là "tự ăn chính mình". Tự thực là một hoạt động quan trọng giúp cơ thể giải độc và tự phục hồi.

 

Tuy nhiên, một số tế bào ung thư có khả năng sử dụng quá trình tự thực để mãi mãi bất tử và thậm chí là dùng các các mảnh tế bào để tái sinh, chống chọi lại ảnh hưởng từ thuốc chữa trị. Rosendahl bị mắc một chứng ung thư đặc biệt có khả năng này vì gen của tế bào ung thư bị đột biến và có tên gọi là BRAFV600E.

 

Các nhà khoa học nhận ra rằng chloroquine là một chất ức chế quá trình tự thực rất hiệu quả. Chính vì thế, bác sĩ Mulcahy-Levy và nhóm của bà quyết định sử dụng kết hợp thuốc chữa bệnh sốt rét và vemurafenib như một nỗ lực sau cùng.

 

"Thật kỳ diệu, căn bệnh của Rosendahl đã được cải thiện nhanh chóng”, Mulcahy-Levy nói. "Bốn tuần sau khi chữa trị, cô đã có thể tự đứng lên và cử động tay chân cũng như cầm nắm đồ vật”.

 

Các chloroquine không đủ khả năng loại bỏ các khối u. Nhưng nó đã làm suy yếu khả năng phòng vệ của của các tế bào ung thư và sau đó thuốc vemurafenib sẽ tự mình tiêu diệt toàn bộ chúng.

Nguồn: khoahoc&phattrien

Số lượt đọc: 3818

Về trang trước Về đầu trang