Tin KHCN trong nước
Thiết kế và chế tạo thành công thiết bị phục vụ định vị, giám sát theo thời gian thực vị trí và trạng thái các thiết bị di động có nguồn phóng xạ (12/01/2017)
-   +   A-   A+   In  

TS. Trần Quang Vinh và các cộng sự trường Đại học Bác khoa Hà Nội đã thiết kế và chế tạo thành công thiết bị phục vụ định vị, giám sát theo thời gian thực vị trí và trạng thái các thiết bị di động có nguồn phóng xạ. Đề tài mới được nghiệm thu ngày 31/12/2016 tại Hà Nội.

 

Thành công này đã góp phần giúp các cơ quan chức năng quản lý và giám sát các nguồn phóng xạ tốt hơn, có thể phát hiện, phòng ngừa, và ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận trái phép nguồn phóng xạ trong quá trình sử dụng, vận chuyển và lưu giữ nguồn phóng xạ, góp phần bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ.

Đây là đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp Quốc gia được giao trực tiếp cho Viện điện tử - Viễn thông, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phối hợp với Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam thực hiện. Đề tài này được triển khai trên cơ sở đề xuất của Cục An toàn và Bức xạ Hạt nhân, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế trong công tác quản lý, giám sát các nguồn phóng xạ trên toàn quốc của Cục.

TS. Trần Quang Vinh, chủ nhiệm đề tài cho biết, sau 2 năm thực hiện (10/2014-10/2016) đề tài đã thực hiện thử nghiệm thực địa tại khu công nghiệp FORMOSA Hà Tĩnh, Công trường xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình…; thử nghiệm đo cảm biến phóng xạ tại Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội… đều mang lại kết quả chính xác, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Cục An toàn bức xạ hạt nhân (ATBXHN) và được Cục Đo lường Quân đội cấp giấy chứng nhận các chỉ tiêu. Với chí phí sản xuất không quá lớn (khoảng 10 triệu/bộ), đề tài đã sẵn sàng chuyên giao công nghệ để sản xuất hàng loạt.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng cũng cho biết, đề tài đặt ra với nhiều mục tiêu thách thức do các thiết bị chứa nguồn phóng xạ thường hoạt động trong các điều kiện và môi trường khó khăn, đòi hỏi hệ thống phải có khả năng định vị, định danh nguồn phóng xạ, giám sát mức độ phóng xạ của nguồn trong các điều kiện thách thức như khi không có tín hiệu định vị vệ tinh, hay yêu cầu định vị dưới độ sâu, trong các công trình ngầm,... Ngoài ra các thiết bị di động chứa nguồn phóng xạ, như thiết bị kiểm tra không phá hủy (NDT), khi hoạt động sẽ phát ra cường độ bức xạ cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị điện, điện tử xung quanh nó. Tuy nhiên, nhóm thực hiện đề tài đã thực hiện thành công, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đặt ra. 

Nguồn: dost-dongnai.gov.vn

Số lượt đọc: 3575

Về trang trước Về đầu trang