Tin KHCN trong nước
Chương trình KH&CN quốc gia: Nhiều sản phẩm đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội (06/12/2016)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 01/12/2016, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ban Chủ nhiệm 3 Chương trình quốc gia, đại diện các đơn vị quản lý các Chương trình quốc gia và đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quốc phòng, Công thương, Y tế,...

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

3 chương trình quốc gia nói trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 2010. Đến năm 2013, Bộ KH&CN và các Bộ, ngành có liên quan về cơ bản đã xây dựng xong cơ sở pháp lý quy định việc triển khai, quản lý Chương trình, bắt đầu đưa vào thực hiện các nhiệm vụ đầu tiên.

 

Báo cáo tình hình triển khai 3 Chương trình trong năm 2016 tại Hội thảo, ông Đỗ Thành Long - Giám đốc Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia cho biết, tính đến tháng 10/2016, các Bộ, ngành có liên quan đã xem xét, phê duyệt và bố trí kinh phí cho 69 nhiệm vụ thuộc 3 Chương trình. Trong đó, 62 nhiệm vụ đã được ký Hợp đồng thực hiện. Tỉ lệ doanh nghiệp tham gia làm đơn vị chủ trì nhiệm vụ thuộc 3 Chương trình chiếm hơn 50%; kinh phí đối ứng đầu tư từ các doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ nói trên chiếm 75% tổng kinh phí của nhiệm vụ.

 

Với Chương trình sản phẩm quốc gia, một số kết quả có thể kể đến như: Sản xuất vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng phòng bệnh cho gia súc với doanh thu dự kiến từ vắc-xin này đến năm 2017 đạt trên 50 tỷ đồng, sau năm 2017 có thể đạt trên 300 tỷ đồng; Sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 cho gia cầm với doanh thu dự kiến từ vắc-xin cúm A/H5N1 82 tỷ đồng/205 triệu liều;... Bộ KH&CN, Bộ Y tế đã phối hợp đề xuất với Bộ Tài chính xem xét ưu tiên việc cấp kinh phí sớm để nghiên cứu, sản xuất 6 thành phần của vắc-xin "6 trong 1", mục tiêu đến 2018 có vắc-xin "6 trong 1" của Việt Nam thay thế vắc-xin Quinvaxem đang phải nhập khẩu, phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

 

Một sản phẩm nữa có thể kể đến là “Giàn khoan dầu khí di động”. Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt Dự án “Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoàn cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng”. Dự kiến sản phẩm của dự án là Giàn khoan dầu khí di động Tam Đảo 5 có thể tiến hành khoan ở độ sâu mực nước biển 120m (-120m), với tổng giá trị của giàn khoan là 230 triệu đô la (tương đương 4.600 tỷ đồng). Đến nay, các nội dung liên quan đến tính toán kiểm tra thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết, tính toán kết cấu, ổn định, quy trình thi công, hạ thủy, mô phỏng 2D, 3D các hệ thống công nghệ trên giàn khoan đã cơ bản hoàn thành đến 95% khối lượng công việc, vượt tiến độ so với thuyết minh được phê duyệt; được cơ quan đăng kiểm quốc tế (ABS)/cấp có thẩm quyền xác nhận và đã được ứng dụng trực tiếp vào Dự án chế tạo Giàn Tam Đảo 05 và Dự án kéo dài chân giàn Tam Đảo 02.

 

Với Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, mặc dù mới triển khai nhưng đến nay, một số sản phẩm của các dự án này đang dần dần được hoàn thiện, chuẩn bị được đưa ra thị trường. Ví dụ như Dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thuốc Peginterferon lambda 1, Pegfilgrastim đạt tiêu chuẩn Châu Âu”. Hay Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo robot phục vụ đào tạo” thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 đã làm chủ công nghệ chế tạo robot 5 bậc tự do ở quy mô sản xuất hàng loạt, tỷ lệ nội địa hóa cao.

 

Liên quan đến Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, các nhiệm vụ có tính cấp bách, khả thi được lựa chọn thực hiện đã cho những kết quả bước đầu quan trọng như xây dựng hệ thống phương pháp, quy trình lập bản đồ công nghệ ở các cấp độ ngành và quốc gia cũng như hệ thống tiêu chí xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Chương trình bước đầu tiếp cận trình độ xây dựng bản đồ công nghệ của Hàn Quốc và Đài Loan giai đoạn 1999 – 2002 (giai đoạn Hàn Quốc và Đài Loan đã trở thành nước công nghiệp mới); Dự án “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng chuyên dụng và xây dựng quy trình sử dụng hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với quy mô công nghiệp” đã chế tạo thành công hệ thống đèn chiếu sáng chuyên dụng trong nhân giống cây thanh long, hoa cúc thương phẩm, đưa vào kiểm nghiệm thực tế trong điều khiển ra hoa và ra hoa trái vụ cho các loại cây trồng trên tại các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Tây Ninh, Tiền Giang, Bắc Ninh,...; tiết kiệm từ 50% tới 75% điện năng tiêu thụ so với phương pháp chiếu sáng thông thường;…

 

Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành, đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình,… đã đưa ra những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện và cũng đề xuất nhiều giải pháp thực hiện các Chương trình trong thời gian tới.

 

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, tổ chức Hội thảo này, Bộ KH&CN mong muốn đánh giá, nhìn nhận lại quá trình triển khai các Chương trình quốc gia, những kết quả đạt được, chỉ ra những khó khăn, hạn chế và cùng tìm giải pháp tháo gỡ. Thứ trưởng cho rằng, thời gian qua các Chương trình đã được triển khai tích cực và có những sản phẩm đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội như giàn khoan dầu khí di động, các loại vắc-xin, thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn,… Tuy nhiên cũng còn một số khó khăn như việc triển khai thực hiện 3 Chương trình quốc gia còn chưa đồng bộ, quy định quản lý tài chính đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước đôi khi chưa phù hợp, việc kết nối với doanh nghiệp để triển khai các Chương trình còn hạn chế nên chưa nhiều doanh nghiệp tham gia,…

 

Thứ trưởng đề nghị những đơn vị thuộc Bộ KH&CN đang quản lý các chương trình quốc gia và Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia cần ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc và chia thành các nhóm vấn đề như cơ chế chính sách, tài chính, tổ chức thực hiện,… Từ đó, đề xuất các giải pháp để giải quyết sớm nhất có thể các vấn đề còn vướng mắc. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp tích cực từ các Bộ, ngành liên quan để sớm giải quyết được các vướng mắc hiện tại và tiếp tục triển khai các Chương trình quốc gia trong thời gian tới.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4152

Về trang trước Về đầu trang