Tin KHCN trong nước
Hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến thực phẩm (05/12/2016)
-   +   A-   A+   In  

Trong khuôn khổ Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành sinh học (BIOTECHMART 2016), sáng ngày 2/12/2016, tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã diễn ra “Hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến thực phẩm" nhằm giúp các đơn vị tiếp cận thông tin kết quả nghiên cứu KH&CN mới nhất trong nước và nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị tìm kiếm đối tác thích hợp.

Tham dự hội thảo có ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia; bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam; ông Lương Minh Huân, Phó viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam; ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện cơ điện nông nghiệp sau thu hoạch; ông Tạ Hồng Đức, Viện nghiên cứu phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên, Đại học Bách Khoa Hà Nội; bà Nguyễn Thị Phương, Phó giám đốc Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia; cùng các đại biểu thuộc các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, Sở KH&CN các tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo các tham luận về những vấn đề sau: Một số giải pháp công nghệ mới trong chế biến nông sản, thực phẩm: Công nghệ sơ chế, xử lý, đóng gói và bảo quản quả vải thiều xuất khẩu, đã đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; Công nghệ lạnh đông siêu tốc bằng chất lỏng, gồm có công nghệ lạnh đông CAS và công nghệ lạnh đông Tomin, thu được kết quả khả quan và hiện đang được đề xuất ứng dụng và phát triển ở quy mô công nghiệp.

Công nghệ JEVA cô đặc tại nhiệt độ thấp và áp suất thường ứng dụng trong chế biến thực phẩm và dược phẩm. Giới thiệu về công nghệ này, ông Tạ Hồng Đức, Viện nghiên cứu phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên cho biết: nước quả là loại sản phẩm có giá trị gia tăng lớn đi từ nguyên liệu rẻ tiền. Việt Nam là nước khí hậu nhiệt đới nên rất thuận lợi cho việc trồng các loại quả nhiệt đới, tuy nhiên lại chỉ có 10% lượng hoa quả được xuất khẩu dưới dạng chế phẩm. Công nghệ cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ thấp và áp suất thường là kết quả của quá trình hợp tác phát triển công nghệ Việt Nam - Cộng hòa Áo, không sử dụng hóa chất, tiết kiệm năng lượng, có tính cơ động cao và đáp ứng được yêu cầu chất lượng của nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Ngoài ra, tại Hội thảo, còn được nghe giới thiệu về khả năng được hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia và hướng dẫn phương thức lựa chọn công nghệ phù hợp, tìm kiếm thông tin công nghệ trên Techmart online.

Cuối buổi hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận và giải đáp các thắc mắc về những vấn đề đã trình bày.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 4325

Về trang trước Về đầu trang