Tin KHCN trong nước
Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 (25/10/2016)
-   +   A-   A+   In  

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) diễn ra chiều 20/10/2016, đa số ý kiến các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành và những nội dung chính của Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo và cho rằng dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội Khóa XIV tại kỳ họp thứ 2.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đồng chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phùng Đức Tiến; đại diện thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội.

 

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, Ban soạn thảo

 

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực.

 

Tuy nhiên, đến nay bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, buộc chúng ta phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới phát sinh từ thực tiễn. Tư duy hoạch định chính sách về chuyển giao công nghệ cũng cần được đổi mới thì mới bắt nhịp được với các thay đổi không ngừng của đời sống công nghệ công nghiệp hiện nay.

 

Trước các thay đổi nhanh chóng của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Luật Chuyển giao công nghệ sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, chưa theo kịp được với xu thế đổi mới trong phát triển kinh tế, KH&CN. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả của Luật Chuyển giao công nghệ, chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới. Do vậy, việc xây dựng Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) là rất cần thiết.

 

Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 7 chương, 62 điều, trong đó sửa đổi 30/61 điều, bổ sung 02 điều mới và bỏ 01 điều, tập trung vào một số vấn đề sau: Phát triển thị trường KH&CN; Thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; Cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ.

 

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) của thường trực Ủy ban, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phùng Đức Tiến cho biết, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với những căn cứ về sự cần thiết sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng với vị thế của quốc gia. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm), một số ngành, lĩnh vực như các nhà máy nhiệt điện, luyện cán thép, khai khoáng... vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Chuyển giao công nghệ chủ yếu thông qua mua máy móc, thiết bị nhưng đã lạc hậu 2-3 thế hệ;… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế và khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam.

 

Do đó, rất cần thiết phải sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trong nước; kiểm soát chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thể giới; đồng thời kiểm soát và từng bước chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài.

 

Tại phiên họp, phần lớn các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành và các nội dung chính của dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo và cho rằng dự án Luật đủ điều kiện để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 2. Nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến đề nghị đẩy mạnh việc xã hội hóa, thu hút các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học trong các ngành, lĩnh vực tham gia vào hoạt động đánh giá, định giá và giám định công nghệ.

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp

 

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, Ban soạn thảo trong thời gian ngắn đã rà soát toàn diện và hoàn thiện dự thảo Luật, nâng từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ thành Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Đồng thời cho rằng dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2. Ghi nhận các ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT đề nghị Ban soạn thảo xây dựng văn bản dự kiến tiếp thu để trình Quốc hội đồng thời với hồ sơ dự án Luật.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4650

Về trang trước Về đầu trang