Tin KHCN nước ngoài
Trứng nhân tạo mở ra hy vọng điều trị vô sinh (19/10/2016)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà khoa học Nhật Bản nuôi thành công trứng nhân tạo trong phòng thí nghiệm và dùng trứng này để cho ra đời những động vật sống.

Một nhóm nhà khoa học Nhật Bản lấy tế bào mô từ đuôi chuột, tái lập trình chúng thành tế bào gốc đa năng có thể sản sinh mọi loại tế bào và chuyển thành trứng trong phòng thí nghiệm, theo Telegraph.

 

Trong môi trường hóa học đặc biệt, các tế bào gốc này phát triển thuận lợi thành các nang, ống nhỏ trong buồng trứng chịu trách nhiệm sản xuất trứng. Từ các nang này, họ thu được những quả trứng khỏe mạnh. Nhóm nghiên cứu thụ tinh cho trứng bằng tinh trùng của chuột và cấy chúng vào cơ thể chuột cái.

 

Tổng cộng 11 con chuột non được sinh ra từ trứng nhân tạo, theo nghiên cứu công bố hôm 17/10 trên tạp chí Nature.

 

Nếu có thể áp dụng quá trình trên cho con người, kỹ thuật mới sẽ giúp nhiều phụ nữ trở thành mẹ hơn. Những người phụ nữ khó mang thai khi về già do trứng bị lão hóa có thể sinh ra trẻ khỏe mạnh nhờ sử dụng trứng tạo từ tế bào gốc. Tương tự, phụ nữ có ít trứng hơn thông thường hoặc tử cung ngừng sản xuất trứng sẽ có cơ hội được làm mẹ. Thậm chí, phương pháp có thể giúp hồi sinh những động vật đã tuyệt chủng.

 

"Đây là lần đầu tiên trứng nhân tạo sản xuất từ tế bào gốc có thể hoạt động bình thường. Điều này sẽ góp phần mở ra phương hướng áp dụng cho con người trong tương lai", giáo sư Katsuhiko Hayashi ở khoa sinh học tế bào gốc thuộc Đại học Kyushu, Nhật Bản, cho biết.

 

"Dù chúng ta còn mất nhiều thời gian mới có thể tạo ra trứng nhân tạo cho phụ nữ, nghiên cứu này cung cấp nền tảng cho những mô hình thí nghiệm nhằm tìm hiểu cách trứng phát triển ở các loài khác. Một ngày nào đó, phương pháp sẽ rất hữu ích đối với những phụ nữ trẻ vô sinh, đồng thời giúp cải tiến những cách điều trị vô sinh truyền thống", Richard Anderson, giáo sư môn khoa học sinh sản lâm sàng ở Đại học Edinburgh, Anh, nhận xét.

 

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu ở Nhật cho biết những con non có biểu hiện di truyền khác biệt so với động vật sinh theo cách tự nhiên cùng một số bất thường ở nhiễm sắc thể, dù tất cả đều có vẻ khỏe mạnh. "Theo tôi, những quả trứng phát triển trong phòng thí nghiệm cần được cấy vào động vật lớn như lợn, bò, cừu trước khi thử nghiệm ở người", giáo sư James Adjaye, giám đốc Viện nghiên cứu tế bào gốc và y học tái tạo ở Đại học Düsseldorf, Đức, nhận định.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 3414

Về trang trước Về đầu trang