Tin KHCN nước ngoài
Quy trình biến bột mì thành các vi lỗ để thu khí CO2 (13/10/2016)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Purdue đã chứng minh cách quy trình cacbon hóa bột mì tạo ra nhiều vi lỗ để thu khí CO2. Đây là công nghệ tái tạo tiềm năng để giảm phát thải CO2 từ ngành công nghiệp vào trong khí quyển.

"Với lượng khí thải CO2 ngày càng nhiều, nóng lên toàn cầu đang gia tăng đi kèm với những thay đổi khí hậu bất thường", GS. Vilas Pol, đồng tác giả nghiên cứu nói. "Việc phát triển các phương pháp hiệu quả để thu giữ CO2 là vấn đề cấp thiết".

 

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Purdue đã xây dựng quy trình tạo ra các khoang cacbon từ bột mì. Phối hợp với các cộng sự tại trường Đại học Hàn Quốc, các nhà khoa học đã nghiên cứu khả năng thu giữ CO2 trong các khoang cacbon độc đáo. Bên trong lò nung ở nhiệt độ 700oC, hợp chất kali hydroxit đã được sử dụng để "kích hoạt" hoặc tạo ra nhiều vi lỗ trong bột mì. CO2 được "hấp phụ” hoặc bám vào bề mặt của vật liệu trong các vi lỗ.

 

"Tổng hiệu suất hấp phụ CO2 cho thấy các khoang cacbon vi lỗ được kích thoạt bằng kali hydroxit, có thể là cách tiếp cận triển vọng", GS. Ki Bong Lee đến từ Đại học Hàn Quốc cho biết.

 

Các nhà nghiên cứu đã thay đổi tỷ lệ kali hydroxit và cacbon cho đến khi tìm ra công thức hiệu quả nhất. Tỷ lệ hấp phụ CO2 phụ thuộc vào số lượng vi lỗ của vật liệu có kích thước lỗ gần 0,8 nanomet. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh vật liệu có thể nhanh chóng được tái sử dụng để liên tục thu CO2. Trong tương lai, cần nghiên cứu sâu hơn để vật liệu có thể hấp thụ khối lượng lớn CO2.

 

Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Scientific Reports.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 2415

Về trang trước Về đầu trang