Tin KHCN trong nước
Tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ (17/10/2016)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 12/10/2016, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) sửa đổi.

Tham dự Hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Ủy viên thường trực Uỷ ban KH,CN&MT của Quốc hội Phùng Đức Tiến; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; cùng đại diện nhiều Bộ, ban ngành liên quan.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, căn cứ yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát toàn diện Luật CGCN năm 2006, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng kế thừa các nội dung tiến bộ của Luật CGCN năm 2006, xác định, lựa chọn các vấn đề thực sự vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động CGCN tại Việt Nam, cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trong nước; có cơ chế kiểm tra, kiểm soát công nghệ nhập khẩu, bảo đảm hài hoà giữa đầu tư, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

 

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 7 chương, 62 điều, trong đó sửa đổi 30/61 điều, bổ sung 02 điều mới và bỏ 01 điều, tập trung vào một số vấn đề: Phát triển thị trường KH&CN; Thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; Cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ.

 

Dự án Luật đã được Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội thẩm tra (ngày 09/9/2016) và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (ngày 13/9/2016). Căn cứ ý kiến tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đã ra Thông báo số 102/TB-TTKQH ngày 14/9/2016 đề nghị Chính phủ rà soát toàn diện Luật Chuyển giao công nghệ 2006, trình Quốc hội Luật CGCN (sửa đổi) để Quốc hội xem xét thông qua tại hai kỳ họp (kỳ họp thứ hai và thứ ba, Quốc hội khóa XIV).

 

Việc sửa đổi, bổ sung Luật CGCN năm 2006 nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động CGCN, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, từ đó, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.

 

Theo ông Phùng Đức Tiến - Ủy viên thường trực Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với những căn cứ về sự cần thiết sửa đổi Luật CGCN như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh thêm hoạt động CGCN là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.

 

Do đó, rất cần thiết phải sửa đổi Luật CGCN để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và CGCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo việc bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trong nước; kiểm soát CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới; đồng thời từng bước CGCN ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế.

 

Ban soạn thảo đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị Dự án Luật và tiếp thu nhiều nội dung đề xuất, đề nghị sửa đổi, bổ sung Dự án Luật. Trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN; đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật CGCN năm 2006; đánh giá tác động của việc ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật CGCN. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với bố cục của Dự thảo Luật gồm 7 chương, 62 điều. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu, thiết kế lại Dự thảo Luật theo hướng như cơ cấu thị trường KH&CN gồm bên cung, bên cầu, các quy định về tổ chức trung gian chuyển giao KH&CN, quản lý Nhà nước về chuyển giao công nghệ..., ông Phùng Đức Tiến cho biết.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về các vấn đề trọng tâm như: Thị trường công nghệ; CGCN; nhập khẩu công nghệ; công nghệ khuyến khích chuyển giao cho vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quản lý nhà nước về CGCN;...

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 5319

Về trang trước Về đầu trang