Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy đầu tư KH&CN vào công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo (10/10/2016)
-   +   A-   A+   In  

Hàng loạt đề tài, dự án khoa học và công nghệ đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo đã mang lại những kết quả khả quan.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có những thảo luận về chuyên đề về: "Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo".

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong những năm qua, hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ đã cơ bản được hoàn thiện. Các lĩnh vực quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đều được điều chỉnh bằng văn bản luật. Hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai cũng đã được các cấp, các ngành ban hành tương đối đầy đủ. Các văn bản này về đã từng bước khắc phục được các mâu thuẫn, chồng chéo, tạo điều kiện bình đẳng, rộng mở cho mọi thành phần phát huy sáng tạo và tham gia đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đã hướng vào mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu trong những ngành, lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, công nghiệp, y - dược, môi trường.

 Gian khoan Tam Đảo 5 - dự án được đầu tư khoa học công nghệ rất lớn. Ảnh ST

Nhiều chính sách nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ đã quan tâm vào thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo thông qua các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, cụ thể: Từ năm 2005 đến nay, các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước đã hỗ trợ thực hiện 94 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước xấp xỉ 399 tỷ đồng. Nội dung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ cũng đã được lồng ghép vào một số Chương trình khoa học và công nghệ để sản xuất xuất khẩu các sản phẩm chủ lực và công nghệ vật liệu. 

Để triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí và hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, các dự án khoa học và công nghệ quy mô lớn đã được thực hiện với mục tiêu giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, tư vấn thiết kế, làm chủ được thiết kế, chế tạo, vận hành thiết bị của nhà máy; từng bước nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị có độ phức tạp cao.

Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2016, có 13 dự án hỗ trợ phát triển ngành cơ khí trong nước được triển khai. Cho đến nay, có 06 dự án khoa học và công nghệ đã hoàn thành, 07 dự án khoa học và công nghệ đang được thực hiện.

Đối với Chương trình sản phẩm quốc gia, từ năm 2013, các sản phẩm quốc gia thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo được triển khai với nhóm sản phẩm thiết bị siêu trường siêu trọng bao gồm sản phẩm thiết bị nâng hạ và giàn khoan dầu khí di động nâng 120 mét nước.

Sản phẩm nâng hạ gồm cầu trục 1.200 tấn, cầu trục trung gian 250 tấn, cổng trục chân dê 2x130 tấn và bán cổng trục có sức nâng 350 tấn đã được bàn giao phục vụ cho việc lắp đặt các thiết bị tại công trình xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu.

Giàn khoan dầu khí di động Tam Đảo 5 có thể tiến hành khoan ở độ sâu mực nước biển 120m (-120m) đã được hoàn thiện thiết kế, chế tạo và hạ thủy từ tháng 12/2015, dự kiến sẽ bàn giao cho chủ đầu tư vào tháng 8/2016. 

 Lắp đặt thiết bị siêu trường, siêu trọng tại nhà máy thủy điện Lai Châu - Một sản phẩm của đầu tư khoa học công nghệ. Ảnh ST

Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được tiếp tục hoàn thiện. Có 46 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và 1.278 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ được xây dựng và ban hành.

Hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh. Hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ được tăng cường, bước đầu hình thành một số mô hình gắn kết giữa viện, trường với doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ. Các chợ công nghệ và thiết bị, hoạt động trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ đã tư vấn kết nối được số lượng lớn các hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được còn một tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực cơ khí chế tạo như, kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm so với nhu cầu của ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế.  Bên cạnh đó các tổ chức khoa học và công nghệ trong ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ hoạt động hiệu quả chưa cao, phân tán. Đặc biệt lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hầu như chưa được các tổ chức khoa học và công nghệ quan tâm đầu tư nghiên cứu. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ thiếu hụt; môi trường ưu đãi chưa đủ hấp dẫn và khuyến khích được chuyên gia người Việt Nam có trình độ cao trong lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ ở nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Có rất nhiều nguyên nhân, trong có thể kể ra một số nguyên nhân chính như: nhận thức và tư duy của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa sâu sắc, đầy đủ về vai trò của khoa học và công nghệ; Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, lĩnh vực và các ngành, các cấp địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ, gây khó khăn cho việc thực thi các đường lối, chủ trương và cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ; Quy mô, tiềm lực và trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam còn ở mức thấp, tất yếu dẫn tới khoa học và công nghệ chưa thể có nhiều thành quả nếu chưa có những đột phá về cơ chế, chính sách và đầu tư.

Đặ biệt, việc triển khai các quy định mới về cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ chậm do chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, dẫn đến làm giảm năng lực sáng tạo. Các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ, nên nguồn lực chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước….

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ KH&CN cũng đã đưa ra những giải pháp và đề xuất kiến nghị cụ thể bao gồm: Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động khoa học và công nghệTập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển khoa học và công nghệ chủ yếu; Tiếp tục nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc giaPhát triển thị trường khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nhằm nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ thành tựu công nghệ tiên tiến, sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới, góp phần vào việc phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ với giá trị gia tăng cao.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nội dung giám sát là rất lớn, vì vậy cần làm rõ nội hàm của chủ đề giám sát. Cụ thể, cần đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật để thúc đẩy khoa học công nghệ và đánh giá các chính sách về khoa học công nghệ để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Với các chính sách chưa đúng, chưa đủ, cần đề xuất bổ sung, làm rõ. Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về khoa học công nghệ là hết sức đúng đắn nhưng việc thực thi vẫn còn khó khăn, hạn chế.

Đoàn giám sát cần đánh giá đúng mức kết quả đạt được, những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân; trách nhiệm Chính phủ, các bộ ngành trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ; trả lời được các câu hỏi liên quan đến việc vì sao hầu hết các doanh nghiệp chưa sẵn sàng, cũng chưa có động lực để đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ trong khi doanh nghiệp lại là chủ thể của quá trình này? Trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam lạc hậu ở mức độ nào so với các nước trong khi vực và trên thế giới?... để tìm ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Đồng thời, một số ý kiến đề nghị đoàn giám sát cần đánh giá cụ thể hơn về kết quả hoạt động của khoa học, công nghệ đã thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào, nhất là trên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết chuyên đề về một số nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020.

Trong Nghị quyết này cần chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, các đại biểu đề nghị đoàn giám sát cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và báo cáo giám sát để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 8465

Về trang trước Về đầu trang