Tin KHCN trong nước
Vật liệu PPC - hướng đi mới cho ngành công nghệ đóng tàu tại Việt Nam (06/10/2016)
-   +   A-   A+   In  

Nước ta có bờ biển dài 3.260 km, cùng với đó là hệ thống sông, ngòi dày đặc, do vậy, nhu cầu về tàu thuyền cỡ nhỏ và các thiết bị nổi để phục vụ dân sinh và quốc phòng là rất lớn. Nhận thức được điều này, doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của Việt Nam - Công ty cổ phần công nghệ James Boat đã bắt đầu nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi bằng vật liệu mới - PPC.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, vật liệu tổng hợp PPC (Copolymer Polypropylene Polystone) - vật liệu công nghệ mới đã được triển khai thành công tại một số quốc gia châu Âu từ năm 1995. Với nhiều tính năng ưu việt so với các vật liệu truyền thống như sắt, gỗ, nhôm, composite, PPC được đánh giá là khá phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế của Việt Nam khi sử dụng chế tạo ra các loại tàu, thuyền đi biển.

 

Tàu tuần tra cao tốc do Công ty Jame Boat đóng được bàn giao cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ngày 30/9/2016. (Ảnh: BL)

 

Vật liệu PPC là khả năng cách nhiệt và cách âm tốt, không gỉ, chịu được va đập mạnh, chịu được thời tiết nắng nóng và giá lạnh mà không hề biến dạng (từ âm 30 đến dương 80 độ C), không phát sinh chất độc hại cho con người, môi trường và được tái chế 100% sau khi các sản phẩm hết hạn sử dụng. Ứng dụng vào chế tạo các sản phẩm có tần suất chuyển động cao như vỏ tàu, PPC có tính đàn hồi giúp giảm xóc, ít ma sát hơn vỏ gỗ và thép nên đạt tốc độ cao, dễ cơ động.

 

Theo GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, Trung tâm Vật liệu Polymer ĐH Bách Khoa Hà Nội, với điều kiện khí hậu Việt Nam, vỏ tàu bằng vật liệu PPC có thể đạt tuổi thọ ít nhất 30 năm.

 

Với tính năng đó, vật liệu PPC hiện đã được Hội đồng Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy và Cơ quan đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và nghiệm thu kết quả thử nghiệm theo tiêu chuẩn kết cấu thỏa mãn sử dụng trong chế tạo ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi. Theo tính toán, việc thiết kế, chế tạo và vận hành sản phẩm ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi từ vật liệu PPC chiếm 50% giá thành so với sản phẩm nhập ngoại tương ứng.

 

Đánh giá về tính năng ưu việt của loại vật liệu này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng: Với những ưu điểm có được, vật liệu PPC đã được cơ quan đăng kiểm nước ngoài công nhận bảo đảm các tiêu chuẩn có thể sử dụng đóng tàu, thuyền. Chính vì vậy, các cơ quan liên quan trong nước cần sớm ban hành tiêu chuẩn và tổ chức kiểm định các tàu, thuyền được đóng bằng loại vật liệu này. Bởi với đất nước có bờ biển dài, nhu cầu tàu thuyền và phương tiện thủy phục vụ cho khai thác kinh tế biển cũng như phục vụ cho an ninh quốc phòng của nước ta là rất lớn.

 

Tại Việt Nam, doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên là Công ty cổ phần công nghệ James Boat đã tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi bằng vật liệu mới PPC. Ngay từ cuối năm 2014, doanh nghiệp khoa học công nghệ này đã đóng và bàn giao xuồng cao tốc MS-50 cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Xuồng có chiều dài 13,66 mét, rộng 3,78 mét, có sức chứa 16 chỗ ngồi và đạt vận tốc tối đa từ 30 - 35 hải lý/giờ. Sau đó, xuống cao tốc MS-50 được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam biên chế cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 1 - đơn vị tiếp nhận, quản lý, khai khác sử dụng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật trên biển.

 

Sản xuất tàu bằng vật liệu PCC (Ảnh: BL)

 

Theo Đại úy Phan Văn Lễ, thuyền trưởng điều khiển xuồng cao tốc MS-50 có phần vỏ bằng PPC, thuộc Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển I, từ khi nhận bàn giao xuồng vào cuối năm 2014, xuồng đã chạy được hơn 6.000 hải lý (12.000 km), nhưng chưa thấy vấn đề khó khăn nào phát sinh. “Nếu tàu vỏ sắt, mỗi tháng chúng tôi đều phải cạo gỉ sét để sơn lại, nhưng với vỏ PPC, chúng tôi tiết kiệm được hàng triệu đồng tiền mua sơn mỗi tháng”, Đại úy Phan Văn Lễ cho biết.

 

Với thành công trên, hiện nay Công ty Jame Boat đang tiến hành chế tạo một số sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng và dân sinh như: Tàu tuần tra cao tốc của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, tàu khách của Tập đoàn VinGroup, bến cập ca nô tàu thuyền cho Cục Cảnh sát đường thủy, bến cập thủy phi cơ Tuần Châu - Hạ Long, bến du thuyền Cầu Mống (TP Hồ Chí Minh)… Đặc biệt James Boat đã nhận được độc quyền từ cơ quan đăng kiểm CS Lloyd trong việc chứng nhận năng lực thiết kế, chế tạo và đăng kiểm ca nô, tàu thuyền, du thuyền đạt tiêu chuẩn Liên minh châu âu (EU) nên sản phẩm của đơn vị này được phép nhập khẩu vào EU và Mỹ.

 

Hiện, nhiều doanh nghiệp đóng tàu ở nước ta có mong muốn ứng dụng công nghệ này, nhưng vẫn vướng mắc tại khâu đăng kiểm. Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cấp chứng nhận cho sản xuất thử nghiệm mẫu tàu chở khách du lịch, mẫu ca-nô thể thao giải trí và bến cập ca-nô, tàu, thuyền. Nhưng đây mới chỉ là thử nghiệm, doanh nghiệp vẫn còn lo lắng, chưa biết làm thế nào để sớm đưa được sản phẩm ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào thị trường.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 4341

Về trang trước Về đầu trang