Tin KHCN trong nước
Từ 01/10 các đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ di động phải có thiết bị giám sát (05/10/2016)
-   +   A-   A+   In  

Từ ngày 01/10/2016, các đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ di động đều phải lắp đặt thiết bị giám sát nguồn phóng xạ. Với những cơ sở mới xin cấp phép buộc phải có thiết bị giám sát thì mới cấp phép, những đơn vị đã cấp phép rồi yêu cầu lắp thêm thiết bị.

PGS.TS. Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết như trên tại Lễ bàn giao hệ thống quản lý và giám sát các nguồn phóng xạ di động giữa Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân diễn ra chiều ngày 30/9/2016.

 

Trong những năm gần đây, khi chưa triển khai việc quản lý giám sát nguồn phóng xạ, nhiều nơi đã xảy ra tình trạng mất nguồn phóng xạ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn ảnh hướng đến nhiều mặt của đời sống nên nhu cầu cần có một hệ thống để kiểm soát an ninh các nguồn phóng xạ, đặc biệt là nguồn phóng xạ sử dụng di động ngoài hiện trường rất cần thiết.

 

Nhằm đảm bảo an toàn và an ninh nguồn phóng xạ, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã đặt hàng và giao Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chủ trì thiết kế chế tạo hệ thống giám sát nguồn phóng xạ từ tháng 10/2014. Theo đó, Trường Đại học Bách Khoa thực hiện, xây dựng hệ thống giám sát an ninh nguồn phóng xạ bao gồm cả phần cứng và phần mềm để giúp cho việc quản lý các nguồn phóng xạ đáp ứng nhu cầu thực tế và cần thiết.

 

Với nhiệm vụ trên, TS. Trần Quang Vinh, Viện Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã Chủ nhiệm đề tài: "Nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý và giám sát từ xa các nguồn phóng xạ theo thời gian thực", mã số: ĐTĐLCN.01/14.

 

Tại Lễ bàn giao, TS. Trần Quang Vinh cho biết, sau gần 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành nhiệm vụ với sản phẩm là hệ thống quản lý và giám sát các nguồn phóng xạ di động (BKRAD). BKRAD được tích hơp nhiều công nghệ định vị, truyền thông và cảm biến tiên tiến cho phép giám sát liên tục các nguồn phóng xạ (ví dụ thiết bị NDT) trong các điều kiện môi trường khác nhau.

 

Hệ thống quản lý và giám sát các nguồn phóng xạ di động (BKRAD)

 

Về tính năng, hệ thống BKRAD giám sát liên tục vị trí, trạng thái nguồn phóng xạ, đo suất liều bề mặt projector và đưa ra các mức cảnh báo cần thiết. BKRAD có kỹ thuật định vị và truyền thông tin cậy với các thiết bị vệ tinh, hạ tầng thông tin di động, bộ đàm, hệ thống wi-fi và RFID, internet. BKRAD tiêu thụ năng lượng thấp, sử dụng pin dung lượng cao, xả nạp nhiều lần. BKRAD có kết cấu cơ khí có thể chống bụi, chống nước, chịu va đập, tháo lắp bằng dụng cụ chuyên dụng và không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của projector.

 

"BKRAD có giá khoảng hơn 30 triệu đồng, giá này chỉ bằng 1/2 so với sản phẩm với tính năng tương đương như vậy ở nước ngoài", TS. Nguyễn Trí Hưng, Công ty cổ phần Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông minh cho hay.

 

Tại Lễ bàn giao, PGS.TS. Vương Hữu Tấn cho biết, căn cứ vào Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN sửa đổi, từ ngày 01/10/2016, tất cả các đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ di động đều phải lắp đặt thiết bị giám sát nguồn phóng xạ. Với những cơ sở mới xin cấp phép buộc phải có thiết bị giám sát nguồn phóng xạ thì mới cấp phép hoạt động, còn đối với những đơn vị đã cấp phép rồi sẽ yêu cầu mang đến Cục An toàn bức xạ và hạt nhân để được giới thiệu liên hệ đến Trường Đại học Bách Khoa để mua thiết bị.

 

“Các nguồn phóng xạ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn nếu thất lạc nên nhu cầu kiểm soát an ninh nguồn phóng xạ, nhất là các nguồn phóng xạ di động là cấp thiết. Sau khi có hệ thống giám sát này, từ hôm nay, chủ cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ sẽ bắt đầu lắp đặt thiết bị đầu cuối để theo dõi nguồn phóng xạ. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân bắt đầu dùng hệ thống này để quản lý các nguồn phóng xạ nguy hiểm từ 01/10/2010”, PGS.TS. Vương Hữu Tấn nhấn mạnh.

 

Đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội kiểm tra Hệ thống BKRAD

 

Ông Huỳnh Trung Hải, Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, kết quả Đề tài là công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý để thực hiện việc giám sát các nguồn phóng xạ và thúc đẩy việc gắn kết nghiên cứu khoa học với thực tiễn.

 

Theo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, trên cả nước có khoảng 4000 nguồn phóng xạ, trong đó hơn 2000 nguồn phóng xạ đang hoạt động, khoảng 600 nguồn phóng xạ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao cần lắp thiết bị giám sát.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4156

Về trang trước Về đầu trang