Tin KHCN trong nước
Đoàn Việt Nam tham dự Khoá họp lần thứ 60 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) (29/09/2016)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 26/9/2016, tại thủ đô Viên, Cộng hòa Áo, Khóa họp lần thứ 60 Đại hội đồng Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã chính thức khai mạc. Đại sứ Dato’ Adnan Othman, Trưởng Phái đoàn đại diện Malaysia tại IAEA và các tổ chức quốc tế tại Viên được bầu làm Chủ tịch Khóa họp lần này.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp. Cùng tham gia đoàn đại biểu có Đại sứ Vũ Việt Anh, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại các tổ chức quốc tế tại Viên, lãnh đạo và cán bộ đại diện của các đơn vị năng lượng nguyên tử thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Áo.

 

 

Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, Ngài Yuki Amano đã nhấn mạnh những thành tựu nổi bật IAEA đạt được trong suốt 6 thập kỉ qua, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sự thịnh vượng của các quốc gia thông qua ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

 

Nhìn lại chặng đường 60 năm qua với những thành quả to lớn, Tổng giám đốc Amano đã dẫn chứng bằng sự nghiên cứu và ra đời của nhiều giống cây và lương thực mới, phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, hỗ trợ điều trị ung thư tại các nước đang phát triển, đồng thời ứng phó kịp thời đối với các căn bệnh mới như Ebola và gần đây là Zika.

 

Về vấn đề an toàn và an ninh hạt nhân, Ngài Amano đã gợi nhắc các đại biểu nhớ lại những nỗ lực của IAEA trong ứng phó quốc tế đối với một số sự cố nghiêm trọng đã từng xảy ra tại một số nhà máy điện hạt nhân - tại Chernobyl năm 1986 và tại Fukushima Daiichi năm 2011. Trong đó đáng chú ý, Kế hoạch hành động của IAEA về An toàn hạt nhân được phê duyệt ngay sau sự cố Fukushima Daiichi đã giúp đem lại những cải thiện đáng kể vấn đề an toàn hạt nhân trên toàn thế giới.

 

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cũng là nền tảng quốc tế trong tăng cường an ninh hạt nhân, giúp các quốc gia giảm thiểu nguy cơ khiến vật liệu phóng xạ và vật liệu hạt nhân rơi vào tay khủng bố.

 

Về điện hạt nhân, Ngài Amano nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của điện hạt nhân, trong đó có góp phần giảm thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh năng lượng và sản xuất năng lượng đáp ứng nhu cầu ngày một cao trên thế giới phục vụ cho phát triển. “Ngày nay, có khoảng 30 quốc gia đang phát triển cân nhắc làm điện hạt nhân”, ông cho biết, bốn lò phản ứng điện hạt nhân đầu tiên của Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất dự kiến sẽ phát điện vào năm 2017, và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế sẽ hỗ trợ các quốc gia đang xem xét phát triển điện hạt nhân để các nước này sẽ sử dụng nguồn năng lượng này một cách an toàn, an ninh và bền vững.

 

Nói về những thách thức trong thời gian sắp tới, Ngài Tổng giám đốc IAEA Amano đề cập đến một số vấn đề, trong đó có việc khai báo và giám sát hoạt động hạt nhân của Iran mới chỉ bắt đầu và sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa. Chương trình hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên vẫn tiếp tục là vấn đề quan tâm đặc biệt.

 

Các quốc gia thành viên không ngừng tìm kiếm sự hỗ trợ của IAEA để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững cũng như trong an toàn và an ninh hạt nhân. Các quốc gia cũng chờ đợi IAEA tiếp tục quản lý nguồn tài chính có hạn của mình để đạt được kết quả cao nhất.

 

Việc tiếp tục duy trì đà phát triển của các lĩnh vực mà IAEA đã thực hiện trong những năm qua là vô cùng quan trọng. Ngài Amano cho biết Ngài đã báo cáo Chủ tịch Hội đồng Thống đốc rằng ông lấy làm vinh hạnh nếu tiếp tục được giữ cương vị Tổng giám đốc IAEA một nhiệm kỳ nữa.

 

 

Cùng ngày 26/9/2016, đoàn của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã tham dự một số cuộc họp kỹ thuật bên lề Phiên họp toàn thể của Đại hội đồng và họp song phương với Đoàn đại biểu công nghiệp Hoa Kỳ.

 

Dự kiến ngày 27/9/2016, Trưởng đoàn Việt Nam sẽ trình bày bài phát biểu quốc gia tại Phiên họp.

Khoá họp 60 Đại hội đồng IAEA sẽ kéo dài đến hết ngày 30/9/2016.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 3868

Về trang trước Về đầu trang