Tin KHCN nước ngoài
Nhóm G20 chiếm 92% chi tiêu toàn cầu cho nghiên cứu (19/09/2016)
-   +   A-   A+   In  

Theo Báo cáo khoa học của tổ chức UNESCO, G20 chiếm 2/3 (tương đương 64%) dân số thế giới, hơn 80% GDP toàn cầu và 92% chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (NC&PT). Về lĩnh vực đào tạo tri thức, sự thống trị của nhóm G20 thậm chí còn mạnh hơn, thể hiện ở con số: 94% bằng sáng chế đã được cấp bởi Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ từ các nước thuộc nhóm G20.

Mặc dù số lượng các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đã tăng lên kể từ năm 2009, tỉ lệ phần trăm của G20 đã giảm xuống dưới một điểm phần trăm. Có tới 6.74 triệu (tương đương 87%) trong tổng số 7.760.000 nhà nghiên cứu trên toàn thế giới sống tại các nước G20.

 

Nhóm G20 tiếp tục khẳng định sự thống trị ở cả 2 lĩnh vực: GDP và hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, sân chơi trong nội bộ G20 có vẻ như đang chững lại một chút, thể hiện ở việc chi tiêu dành cho nghiên cứu ở Trung Quốc tăng 42%, chiếm 19,6% trong tổng số chi tiêu toàn cầu trong khi con số này ở Hàn Quốc là 22%, chiếm 4,4%. Chính điều này đã khiến các tỉ lệ phần trăm đóng góp của các nước G20 có thu nhập cao bao gồm: Ôxtrâylia Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Italia, Nga, Anh và Mỹ giảm đáng kể.

 

Sự tăng trưởng GDP trong giai đoạn này cũng phản ánh một xu hướng tương tự. Trong khi tỉ lệ GDP của các nước G20 có thu nhập cao đều giảm trong giai đoạn 2009 - 2013 thì GDP của Trung Quốc lại tăng tới mức 16,1% trong tổng số.

 

Nhìn chung, chi tiêu dành cho nghiên cứu trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 tăng nhanh hơn so với GDP. Sự sụt giảm trong chi tiêu công cho nghiên cứu ở các nước có thu nhập cao do nguồn ngân sách hạn hẹp đã được bù đắp bởi nguồn chi tiêu được duy trì liên tục dành cho doanh nghiệp.

 

Trong khi đó, các nước đang phát triển với các ngành công nghiệp thế mạnh, như Argentina, Ethiopia, Kenya, Mali và Mexico với bàn đạp là tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự bùng nổ của nền kinh tế hàng hóa nhằm thúc đẩy cam kết nghiên cứu công. Một số nền kinh tế mới nổi như Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng chi tiêu nghiên cứu trong giai đoạn này.

 

Nhóm năm nước BRICS cũng là các thành viên thuộc G20. Năm nền kinh tế lớn mới nổi này đều đã trải qua những xu hướng mang tính tương phản trong giai đoạn 2009 - 2013. Tại Liên bang Nga, nơi mà các công ty start-up hoạt động dựa trên công nghệ vẫn còn rất phổ biến, tài trợ của chính phủ dành cho NC&PT phục vụ mục đích dân dụng gia tăng đều đặn, tuy nhiên, mặc dù chính phủ các nước vẫn nỗ lực hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhưng đầu tư công nghiệp vẫn còn ở mức khiêm tốn.

 

Ở Trung Quốc, tài trợ công và tài trợ doanh nghiệp dành cho NC&PT đều được tăng cường, trong khi đó, tại Nam Phi, sự gia tăng trong chi tiêu công dành cho NC&PT vẫn không thể bù đắp cho sự sụt giảm mạnh trong NC&PT khu vực kinh tế tư nhân. Ngược lại, tại Brazil và Ấn Độ, chi tiêu dành cho doanh nghiệp tăng nhanh hơn so với cam kết của chính phủ dành cho NC&PT.

 

Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Mỹ vẫn là các nước dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới tri thức. Số lượng bằng sáng chế bộ ba (bằng sáng chế được công nhận tại tất cả các nước thuộc EU, Nhật Bản và Mỹ) của các nước này chiếm 8/10 (tương đương 83%). Điều này cho thấy Trung Quốc và Hàn Quốc đã có những bước tiến lớn trong thập kỷ qua.

 

Nhìn chung, hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc hiện tại chiếm 8% số bằng sáng chế bộ ba. Ở cả hai nước, chi tiêu dành cho nghiên cứu của lĩnh vực doanh nghiệp chiếm ba phần tư. Mặc dù nghiên cứu tại Trung Quốc chỉ bằng một nửa (2,09% GDP) so với Hàn Quốc (4,15% GDP), các công ty Trung Quốc hiện chiếm tới 1/5 chi tiêu toàn cầu dành cho NC&PT của doanh nghiệp, so với 5% trong năm 2001.

 

Hiện nay, mối quan tâm về chính sách tại Nhật Bản là sự chuyển giao công nghệ nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản, cùng với việc giảm đầu tư nước ngoài tại Nhật Bản. Điều lệ được ban hành trong tháng 11/2012 đã quy định về việc khuyến khích các trung tâm nghiên cứu cũng như chi nhánh ở châu Á của các tập đoàn trên thế giới chuyển đến Nhật Bản. Mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn kết hợp với sự xuống giá mạnh của đồng yên và giá dầu là những yếu tố thuyết phục nhiều nhà sản xuất Nhật Bản đưa các nhà máy của họ trở lại hoạt động tại Nhật Bản.

 

Báo cáo nêu rõ: so với hai đối thủ cạnh tranh chính là Hoa Kỳ và Nhật Bản, xu hướng tập trung chi tiêu dành cho NC&PT của các doanh nghiệp EU hiện phân làm hai cấp độ: trung bình - đến - thấp hoặc thấp. Hơn nữa, mặc dù các công ty có trụ sở tại EU chiếm 30% trong tổng chi tiêu dành cho NC&PT của 2500 công ty trên thế giới, trong số top 10 thì chỉ có hai công ty đến từ EU, cụ thể là hai công ty, tập đoàn sản xuất ô tô của Đức là Volkswagen và Daimler. Ngành kinh doanh ô tô chiếm ¼ chi tiêu dành cho NC&PT của các công ty EU.

 

EU gần như vắng mặt trên đấu trường dành cho các công ty kinh doanh công nghệ dựa trên Internet mới nổi hoạt động theo các hình thức đổi mới. Trong số 15 công ty internet công cộng lớn nhất thì có 11 công ty đến từ Hoa Kỳ và số còn lại là các công ty của Trung Quốc. Theo quan sát của Báo cáo: “Nỗ lực của EU nhằm nhân rộng phiên bản Thung lũng Silicon đã không đạt được kết quả như mong đợi”. Báo cáo kết luận “Châu Âu đã trở thành một nhà sản xuất tri thức mới quan trọng. Tuy nhiên, các nước này chưa thực sự thành công trong hoạt động thương mại hóa, biến những ý tưởng mới thành sản phẩm và quy trình”.

 

Hiện nay, các công ty châu Âu phải nộp đơn xin bảo hộ sáng chế tại 28 quốc gia thành viên. Bộ phần mềm bằng sáng chế hợp nhất được thông qua bởi 25 thành viên EU (trừ Croatia, Italia và Tây Ban Nha) trong năm 2013 dự kiến sẽ cắt giảm 85% chi phí thủ tục và chi phí dịch thuật.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 2980

Về trang trước Về đầu trang