Tin KHCN trong nước
Sửa đổi luật để kết nối doanh nghiệp với Khoa học và Công nghệ (26/09/2016)
-   +   A-   A+   In  

Để giúp doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu dễ dàng tìm đến nhau, Bộ KH&CN sẽ tiến hành sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ để trình Chính phủ.

Doanh nghiệp chưa mặn mà đón nhận kết quả nghiên cứu

TTXVN dẫn thông tin từ các chuyên gia, hiện nay, phần lớn các trường, viện chưa có nhiều kênh để đưa các nghiên cứu của mình ứng dụng rộng rãi, rất nhiều công trình chỉ làm theo nhiệm vụ và dừng lại ở khâu nghiệm thu.

Lý do là vì nhiều công trình tuy có khả năng ứng dụng cao nhưng chưa được đánh giá, thẩm định và quảng bá rộng rãi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn chưa mấy mặn mà trong việc đón nhận kết quả nghiên cứu từ các trường, viện vì chưa được tiếp cận, thiếu thông tin về thị trường công nghệ

 

Đơn cử như, ngay sau khi được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang ba màu và bột điện tử micro, nano sử dụng để chế tạo đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact tiết kiệm điện năng” , Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã phối hợp với Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RALACO) để hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công trình này.

Chỉ trong thời gian gần một năm, hai quy trình công nghệ: “Thu hồi, tái xử lý bột huỳnh quang pha tạp đất hiếm và thủy tinh không chì” và “Công nghệ tráng phủ bột huỳnh quang cho đèn huỳnh quang compact” đã được Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển giao thành công cho RALACO.

Nhờ đó, RALACO không còn phải nhập hoàn nguyên liệu huỳnh quang 3 phổ như trước đây, giảm được gần 4% số lượng đèn compact không đạt tiêu chuẩn trong khâu tráng phủ, tiết kiệm được nguyên liệu lên tới hàng chục tỷ đồng.

Không chỉ công trình này, trong 5 gần đây, Đại học Bách khoa Hà Nội đã được cấp chứng nhận 37 bằng sáng chế. Số lượng công trình nghiên cứu được chuyển giao cho các doanh nghiệp ngày càng tăng lên.

PGS.TS Huỳnh Trung Hải, Trưởng phòng KH&CN, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Để chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tế, trường đã tăng cường các nghiên cứu có tính ứng dụng cao.

Đặc biệt, đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings) với một hệ thống liên kết với 7 - 8 doanh nghiệp nhằm huy động vốn phục vụ cho quá trình ươm tạo và thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ để chuyển giao kết quả nghiên cứu ra cộng đồng”.

1111111 Để áp dụng kết quả các đề tài nghiên cứu của viện, thời gian qua, Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) phối hợp với công ty NEWTACO cũng đã chuyển giao thành công nhiều công nghệ hữu ích cho đời sống như: nhà vệ sinh bán tự động, xử lý nước thải tại nhà máy nước Yên Phụ và khu công nghiệp thực phẩm Hapro (Hà Nội), công nghệ sinh học trong xử lý rác thải đô thị…

Tuy nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN hay đại học Bách khoa Hà Nội chỉ là số ít những đơn vị có nhiều nghiên cứu ứng dụng và có kết nối tốt với các doanh nghiệp.

Sửa đổi luật chuyển giao công nghệ để kết nối doanh nghiệp với nhà khoa học

Theo Quân đội Nhân dân, trong Luật Chuyển giao công nghệ hiện hành chưa đề cập nhiều đến các chính sách hỗ trợ cho hoạt động việc chuyển giao công nghệ trong nước.

Để khắc phục những vướng mắc còn tồn tại, Bộ KH&CN đang lấy ý kiến và tiến hành sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ với nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh thị trường chuyển giao công nghệ trong nước, tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp với các trường, viện.

Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá và thẩm định công nghệ cho biết: “Ngoài việc lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, chúng tôi cũng tìm hiểu những chính sách ưu đãi của các nước đối với những bên tham gia vào hoạt động chuyển giao công nghệ để sửa đổi cho phù hợp.

Sửa đổi luật chuyển giao công nghệ để kết nối doanh nghiệp với nhà khoa học. Ảnh minh họa

Luật sửa đổi được kỳ vọng sẽ khuyến khích được các hoạt động chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện để các tổ chức trung gian phát triển giúp các bên có thể tiếp cận và kết nối các công đoạn của quá trình ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ”.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật cần toàn diện hơn, kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của luật hiện hành, khắc phục những hạn chế, bất cập và phải phù hợp với tình hình mới, phù hợp nhiệm vụ, yêu cầu của đất nước hiện nay so với 10 năm trước.

Xây dựng luật lần này cần góp phần chấm dứt và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Theo các chuyên gia, để tăng tính liên kết giữa doanh nghiệp với các trường, viện, việc xây dựng hệ thống các đơn vị làm cầu nối là rất cần thiết. Đồng thời cần có quy định về việc hình thành những chính sách liên quan đến đào tạo nhân lực về chuyển giao công nghệ; bảo hiểm cho các công nghệ mới; bảo vệ và bảo hiểm rủi ro cho các cá nhân thực hiện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban TVQH tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm việc bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước; kiểm soát chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới.

 

Đồng thời, từng bước chuyển giao công nghệ ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế. Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn với tình trạng công nghệ trong nước và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay và trong tương lai, vì thế đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, sửa đổi một cách toàn diện các quy định của luật.

Nguồn: Vietq.vn

Số lượt đọc: 4911

Về trang trước Về đầu trang