Tin KHCN trong nước
Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ (19/08/2016)
-   +   A-   A+   In  
Sáng 12/8/2016, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Chính phủ, đại diện các Bộ ngành về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ

Sáng 12/8/2016, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Chính phủ, đại diện các Bộ ngành về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tham dự phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường- Trưởng Đoàn giám sát Phan Xuân Dũng điều hành phiên họp. Tham gia phiên họp còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công An, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường… cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Phó Trưởng đoàn giám sát - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, theo Nghị quyết số 1076/NQ-UBTVQH, Đoàn giám sát đã nghiên cứu 18 báo cáo của các Bộ ngành, 8 báo cáo của cơ quan trực thuộc Chính phủ, 5 báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 16 báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương; tổ chức 7 hội nghị, hội thảo giám sát và trưng bày sản phẩm nghiên cứu khoa học; tổ chức 7 buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ và 8 Bộ liên quan; làm việc với 34 Ủy ban Nhân dân tỉnh; đi thực tế nhiều tổ chức khoa học, công nghệ tại các địa phương.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã trình bày báo cáo nêu rõ về tình hình ban hành chính sách pháp luật giai đoạn 2005-2015 trong lĩnh vực KH&CN. Theo đó, sau hơn 3 năm triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, nhiều mục tiêu của Chiến lược đến năm 2015 cơ bản đã đạt được hoặc có khả năng đạt được vào năm 2020 như: Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng lần lượt là 11,7%; 19,1% và 28,7%, tạo đà cho việc hoàn thành chỉ tiêu 45% vào năm 2020. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2011-2014 đạt 10,68%/năm, đạt mục tiêu chiến lược đề ra là 10-15%/năm giai đoạn 2011-2015.

Giai đoạn 2005-2015, nhiều cơ chế, chính sách mới về KH&CN đã được ban hành, trong đó có các văn bản tạo ra đột phá, đổi mới sâu sắc và toàn diện. Việc ban hành các cơ chế này tạo môi trường để KH&CN phát triển, góp phần tích cực vào phát triển chung của kinh tế, xã hội đất nước.

KH&CN cũng góp phần rõ nét trong việc nghiên cứu, ứng dụng các kết quả trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế vào thực tiễn cuộc sống.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát đánh giá, hệ thống pháp luật về KH&CN hiện tại khá cồng kềnh, phức tạp với 1 Nghị quyết Trung ương về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, 8 đạo luật, 30 Quyết định trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, 39 Nghị định, Nghị quyết để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, 231 Thông tư, Thông tư liên tịch, hơn 4.000 văn bản tạo hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để thực hiện công tác quản lý nhà nước, khuyến khích đầu tư phát triển khoa học, công nghệ ở địa phương.

Bên cạnh đó, các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ chưa xác định được các hướng ưu tiên phù hợp để tạo ra những đột phá mà Việt Nam có lợi thế để hình thành các lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn có đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Do vậy, Đoàn giám sát cho rằng, trong thời gian tới chúng ta cần phải hệ thống lại pháp luật về KH&CN theo hướng tinh gọn giúp các địa phương dễ dàng nắm được nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực này.

Nhiều đại biểu đánh giá tiềm lực, trình độ, đội ngũ cán bộ KH&CN của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng ta thiếu các tập thể khoa học mạnh, các trường đại học, viện nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, và cả các nhà khoa học đầu ngành có khả năng chỉ huy triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế. Từ đó dẫn đến thực tế trình độ KH&CN nước ta còn khoảng cách tụt hậu khá xa so với thế giới, kể cả với một số nước nhóm đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nhiều khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia... Cho đến nay, cả nước có 3 khu công nghệ cao quốc gia đa ngành, quy mô lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, hoạt động thu hút đầu tư và phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ tại các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng kỹ thuật công nghệ còn rất hạn chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư chưa thực sự nổi trội… Nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong công nghiệp, nông nghiệp… mặc dù nghiệm thu có kết quả nhưng lại không hoạt động hiệu quả, nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ không thể thương mại hóa, ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Do vậy, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần tập trung phân tích những tác động mà kết quả của nghiên cứu khoa học, công nghệ mang lại trong báo cáo của mình: khoa học, công nghệ đã giúp gì cho việc hoạch định chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khoa học, công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng kinh tế như thế nào và kiến nghị giải pháp trong thời gian tới.

Cần có cơ chế thu hút nguồn nhân lực

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, cơ chế, chính sách về nhân lực khoa học, công nghệ có bước phát triển đáng ghi nhận khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và Nghị định 87/2014/NĐ-CP quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ ở Việt Nam; các chính sách tôn vinh các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có công trình nghiên cứu hoạt động khoa học, công nghệ xuất sắc…

Mặc dù nguồn nhân lực khoa học, công nghệ tuy gia tăng về số lượng, nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư có trình độ cao và đủ năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế. Số đông các nhà khoa học trình độ cao đã hoặc sắp đến tuổi nghỉ hưu. Tình trạng hẫng hụt về thế hệ các viện nghiên cứu, trường đại học đang tiếp tục gia tăng. Tình trạng học sinh giỏi có tiềm tăng không muốn theo học các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn, thiếu sinh viên giỏi để đào tạo thành các nhà khoa học tài năng trong tương lai…

Đoàn giám sát cho rằng, cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi để khắc phục tình trạng suy giảm sút các chuyên gia đầu ngành, thu hút đông đảo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để huy động các nguồn lực đầu tư cho KH&CN, rất cần cơ chế hỗ trợ thuế, tín dụng, đất đai, cũng như tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại thời gian qua là do nhận thức và tư duy của Nhà nước, DN, nhà khoa học chưa sâu sắc, đầy đủ về vai trò của KH&CN. Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về KH&CN chưa đầy đủ, hoàn thiện và chưa đi vào cuộc sống. Nguồn lực tài chính hạn hẹp, kể cả nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội. Cơ chế nặng về bao cấp, chưa khuyến khích và tạo động lực về lợi ích để thúc đẩy KH&CN, thu hút nhân tài, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KH&CN.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguồn lực đầu tư cho KH&CN là rất quan trọng, trong đó có nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tiễn hiện nay, đầu tư cho KH&CN chưa được như mong muốn. Nhiều khó khăn vướng mắc về cơ chế tài chính dù đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn rất nhiều điểm vướng, nguồn lực đầu tư còn dàn trải. Vì vậy, để huy động được nguồn lực từ các DN cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, đất đai... cũng như cần tạo môi trường bình đẳng cho mọi DN đầu tư cho KH&CN. Đặc biệt cần phải công khai, minh bạch từ quy trình xét duyệt, nghiệm thu đến ứng dụng các kết quả nghiên cứu.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ cùng với giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong thời gian qua, khoa học, công nghệ đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh. Tuy nhiên, trình độ khoa học, công nghệ còn rất thấp so với các nước trên thế giới và khu vực, năng lực sáng tạo công nghệ mới còn hạn chế.

Từ các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh vấn đề quan trọng là phải đề xuất được giải pháp để tháo gỡ những vấn đề tồn tại đã được nêu lên trong báo cáo giám sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có Nghị quyết đề xuất với Quốc hội sửa các vấn đề liên quan đến luật và quá trình tổ chức thực hiện để đưa KH&CN cũng như công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo đi vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Đoàn giám sát và Chính Phủ tiếp thu các ý kiến và hoàn chỉnh Báo cáo của mình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 vào tháng 9 tới.

Thời gian tới, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Bộ KH&CN hoàn thiện báo cáo và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách để KH&CN đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế- xã hội.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 4570

Về trang trước Về đầu trang