Tin KHCN trong nước
Ứng dụng chế phẩm chitooligome trong sản xuất lúa và rau màu (11/07/2014)
-   +   A-   A+   In  

Trong những năm qua, Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu chế tạo và tiến hành thử nghiệm trên đồng ruộng chế phẩm sinh học từ chitin/chitosan biến tính để kích thích sinh trưởng, nâng cao năng suất và giảm trừ sâu bệnh cho sản xuất lúa.

Đây là một chế phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, được chiết tách và biến tính từ phế thải thủy sản như vỏ tôm, vỏ cua, mai mực... nên hoàn toàn không độc hại với cây trồng và sức khỏe con người. Để có cơ sở khuyến nghị bà con nông dân sử dụng chế phẩm chitooligome cho cây lúa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Viện Hóa học đã triển khai thử nghiệm tại xã Thanh Trù - thành phố Vĩnh Yên nhằm đánh giá hiệu quả nâng cao năng suất của loại chế phẩm mới này trong năm 2012.

Chitooligome là một sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, không độc hại với cơ thể người, động vật và thực vật. Tổng lượng chất hữu cơ tính cho 100mg gồm: 45 mg cacbon, 40 mg ôxy, 9 mg nitơ và 6 mg hydro. Ngoài ra còn có các thành phần khác như: nước, nguyên tố vi lượng Ca2+, Mn2+, Fe2+. Công dụng của chitooligome là kích thích hệ miễn dịch, hoạt hóa quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, đặc biệt trong giai đoạn làm đòng, có tác dụng tăng chiều dài đòng, tăng số hạt/bông, tăng tỷ lệ hạt chắc, tăng khối lượng hạt...

Trên thế giới, chitooligome đã được ứng dụng trong nông nghiệp ở nhiều quốc gia. ở Thái Lan, chitooligome được dùng để cải tạo đất và nước, mục đích giữ cân bằng sinh thái canh tác. Tại Myanmar, qua thử nghiệm cho thấy năng suất vụ mùa tăng từ 41,7% lên 91,5%... ở Việt Nam, từ những năm 90 đến nay, đã có những nghiên cứu sử dụng chitooligome để kích thích sinh trưởng cho cây trồng như lúa, khoai tây... Nghiên cứu ứng dụng chitooligome kết hợp với phân vi sinh để tăng năng suất cho lúa, đậu tương và cho quá trình giâm chiết cành ở cây ăn quả... Tuy nhiên, từ năm 2004 thì mới có các nghiên cứu ứng dụng thực tế tại các tỉnh như: Hưng Yên, Bắc Giang. Với một sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, có tác dụng nâng cao năng suất cây trồng, không độc hại, giảm trừ sâu bệnh, giá thành phù hợp nên trong quá trình triển khai, đề tài đã được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con nhân dân các tỉnh, thành phố.

Tại Vĩnh Phúc, đề tài đã triển khai thử nghiệm tại xã Thanh Trù với 5 ha cây lúa và 2,16 ha rau màu. Sau 2 vụ thử nghiệm sử dụng chế phẩm trên lúa và rau màu cho thấy, việc sử dụng chế phẩm cho lúa và rau màu ở các thời kỳ sinh trưởng và phát triển đã làm cho cây trồng phát triển tốt hơn, ít bị sâu bệnh, năng suất cao hơn so với đối chứng từ 10,3%-14,7% với lúa và từ 11,5%-14,8% với rau màu cho quả và 30,8%-40,4% với rau ăn lá, tùy thuộc vào từng giống và từng thời kỳ phun chế phẩm. Ngoài các yếu tố về năng suất, khi sử dụng chế phẩm đối với lúa, chế phẩm làm tăng sức nảy mầm của hạt giống, cây lúa phát triển tốt, tăng số hạt chắc, tăng khối lượng 100 hạt. Đối với rau màu, chế phẩm giúp rau màu phát triển tốt hơn, đặc biệt khi phun chế phẩm cho rau màu vào giai đoạn chuẩn bị ra hoa, có tác dụng làm sai quả, quả to, bóng đẹp. Phân tích chất lượng các mẫu lúa và rau màu có sử dụng chế phẩm tại Trung tâm Nghiên cứu và Kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm cho thấy, các chỉ tiêu về protein tổng số, tinh bột, vitamin B1, tỷ lệ thu hồi gạo say, gạo sát, tỷ lệ bạc bụng, trắng trong, tỷ lệ gạo nguyên của các mẫu sản phẩm thóc không có khác biệt so với đối chứng, chứng tỏ việc sử dụng chế phẩm chitooligome có làm tăng năng suất, nhưng không làm thay đổi chất lượng của thóc gạo. Về rau màu có hình thức đẹp hơn và năng suất cao hơn so với đối chứng.

Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam khuyến cáo, việc sử dụng chế phẩm chitooligome vào thực tế sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững; giá thành hợp lý (100.000đ/1 lít). Vì vậy bà con có thể yên tâm sử dụng nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo về mẫu mã sản phẩm, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa trong tương lai.

 

Nguồn: Sở KH&CN Vĩnh Phúc

Số lượt đọc: 16667

Về trang trước Về đầu trang