Tin KHCN trong nước
Khoa học và Công nghệ thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (22/06/2016)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 16/6/2016, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) và kết quả thực hiện Chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN tiếp Đoàn.


Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: HN)

Đây là nội dung nằm trong Chương trình Giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005 – 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Quỹ NAFOSTED Đỗ Tiến Dũng cho biết, từ năm 2009, Quỹ bắt đầu tài trợ, hỗ trợ các chương trình nghiên cứu, gồm nghiên cứu cơ bản (NCCB) trong khoa học tự nhiên (KHTN - 2009), hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học (2009), tài trợ các đề tài hợp tác song phương Việt – Bỉ (2009), tài trợ NCCB trong khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV - 2010). Đồng thời, triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển như hỗ trợ phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động KH&CN,...

Đến nay, Quỹ đã tiếp nhận 3.079 hồ sơ đề tài NCCB trong KHTN từ khoảng 100 viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học trên cả nước. Trong đó, số lượng đề tài được đề nghị, phê duyệt tài trợ là 1.642 với trên 6.000 nhà khoa học tham gia các nhóm nghiên cứu. Tổng kinh phí tài trợ theo hợp đồng đã ký là 1.070 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2015, Quỹ đã tổ chức đánh giá kết quả 618 đề tài. Số bài báo công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI được Hội đồng khoa học công nhận là kết quả của đề tài lên đến 2.126 công trình. 

Bắt đầu triển khai chương trình tài trợ NCCB trong KHXH&NV từ năm 2010, đến nay Quỹ đã tiếp nhận 589 hồ sơ đề tài và 281 đề tài được đề nghị tài trợ, với trên 1.000 nhà khoa học được hỗ trợ thực hiện nghiên cứu. Tính đến năm 2015, 101 đề tài đã được đánh giá kết quả với 33 bài báo trên tạp chí quốc tế, 379 bài báo trên tạp chí quốc gia được Hội đồng khoa học công nhận là sản phẩm của đề tài. 

Sau 7 năm hoạt động, các chương trình do Quỹ tài trợ đã mang lại bước chuyển biến rõ nét về chất lượng nghiên cứu khoa học và phát triển lực lượng các nhà khoa học. Số liệu đánh giá cho thấy, các đề tài nghiên cứu được Quỹ tài trợ có kết quả tốt, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế về nghiên cứu khoa học. Đồng thời, các chương trình tài trợ đã hướng tới, hỗ trợ lực lượng các nhà khoa học trẻ, xuất sắc chủ trì các nghiên cứu khoa học đỉnh cao. Đây là yếu tố quan trọng cho việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và công nghiệp hóa đất nước. 

Kết quả các đề tài NCCB do Quỹ tài trợ cho thấy, chất lượng nghiên cứu được nâng cao, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế thể hiện qua các sản phẩm khoa học là các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành được ISI xếp hạng. Theo thống kê, số lượng công trình khoa học là kết quả từ các đề tài NCCB trong KHTN do Quỹ tài trợ được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín của quốc tế (thuộc hệ thống ISI) giai đoạn 2009-2015 có tốc độ tăng trung bình trên 25%. Các công trình này chiếm khoảng 25% số các công trình của Việt Nam và khoảng 50% nếu chỉ tính số công trình được hỗ trợ từ NSNN).

Một số nhiệm vụ KH&CN do Quỹ tài trợ, hỗ trợ đã có tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế xã hội của đất nước như đề tài đánh giá an toàn vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ mới trong nghiên cứu và sản xuất thuốc; tham gia hỗ trợ kỹ thuật Tập đoàn Dầu khí triển khai chuyển giao công nghệ và lắp đặt thành công dàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên tại Việt Nam, đưa nước ta trở thành 1 trong 3 nước Châu Á và 1 trong 10 nước trên thế giới thiết kế chi tiết và lắp dựng giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn Quốc tế. 

Quỹ đã thiết lập được phương thức quản lý phù hợp, nhằm đảm bảo chất lượng NCCB ở nước ta đạt tới trình độ quốc tế. Đồng thời đổi mới cơ chế tài chính bằng việc cho phép bắt đầu thực hiện các ý tưởng nghiên cứu ngay sau khi nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt, giúp đẩy nhanh quá trình cấp phát kinh phí, tăng hiệu quả đầu tư.

Về Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, sau khi nghiên cứu, cũng như tham khảo đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ đã chọn 6 sản phẩm chính thức và 3 sản phẩm dự bị để đầu tư phát triển. Các sản phẩm quốc gia lựa chọn triển khai từ năm 2012 đều là những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, bảo đảm làm chủ được các công nghệ cơ bản, cốt lõi để chế tạo được sản phẩm, làm tiền đề cho việc phát triển các sản phẩm khác trong cùng lĩnh vực, góp phần quan trọng cho việc nâng cao năng lực công nghệ quốc gia. Ví như sản phẩm vắc-xin phòng bệnh cho người. Sau hơn một năm triển khai (bắt đầu từ năm 2015), bước đầu đã đạt được một số kết quả như tạo ra 4 lít nước cốt ho gà vô bào cô đặc từ đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất vắc xin DPT có thành phần ho gà vô bào”; nghiên cứu, sản xuất được 3 lô vắc xin cúm mùa IVACFLU-S 011214, 021214, 031214 với 5.000 liều, đạt tiêu chuẩn chất lượng kiểm định tại cơ sở và tại Viện Kiểm định Quốc gia; nghiên cứu tạo ra được 6.000 liều vắc-xin và đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 từ đề tài “Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc-xin Hib cộng hợp”; nghiên cứu sản xuất được 15.000 liều vắc-xin bại liệt bất hoạt, trong đó có 1.000 liều vắc-xin và 1.076 liều giả dược cho thử nghiệm lâm sàng (TNLS). Đã hoàn thành TNLS giai đoạn 1 trên 60 người lớn và đã được thông qua đề cương TNLS giai đoạn 2. 

Hay với sản phẩm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi, Bộ KH&CN đã ký các Hợp đồng để triển khai 5 nhiệm vụ thuộc 3 dự án KH&CN sản xuất vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi đối với bệnh lở mồm long móng, hội chứng rối loạn hô hấp, sinh sản cho lợn và bệnh cúm gia cầm A/H5N1. Đến nay, đã phân lập thành công 2 chủng giống gốc tuýp O và tuýp A; tạo được 1 giống gốc để sản xuất được giống vi rút vắc-xin lở mồm long móng tuýp O, đạt được các kết quả thử nghiệm ban đầu và đang tiến hành kiểm nghiệm; tạo được 3 giống gốc để sản xuất vắc-xin phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn; vắc-xin vô hoạt nhũ dầu cúm A/H5N1 cho gia cầm đã đạt được các kết quả thử nghiệm ban đầu, đang xây dựng quy trình kiểm nghiệm trên gà, ngan, vịt, chim cút. Việc triển khai các dự án KH&CN này sẽ giúp Việt Nam sớm làm chủ công nghệ tạo giống gốc, giảm nhập khẩu (20% đến năm 2017, 50% đến năm 2020), tiến tới chủ động hoàn toàn quy trình sản xuất các loại vắc-xin này.

Với sản phẩm “Thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn”, hiện các sản phẩm của dự án KH&CN gồm cầu trục 1.200 tấn, cầu trục trung gian 250 tấn, cổng trục chân dê 2x130 tấn và bán cổng trục có sức nâng 350 tấn được bàn giao phục vụ việc lắp đặt các thiết bị tại công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu. Cùng với đó, sản phẩm “Giàn khoan dầu khí di động”- Giàn khoan dầu khí di động Tam đảo 5 có thể khoan ở độ sâu mực nước biển 120m (-120m), với tổng giá trị 230 triệu đô la (tương đương 4.600 tỷ đồng) đã hoàn thiện thiết kế, chế tạo và hạ thủy từ tháng 12/2015, dự kiến đến tháng 8/2016 sẽ bàn giao cho Chủ đầu tư.

Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ KH&CN xác định tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các sản phẩm đã ký hợp đồng, tiếp tục xem xét đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh mục các sản phẩm còn lại; rà soát các sản phẩm quốc gia đã được phê duyệt, xem xét bổ sung một số sản phẩm đáp ứng yêu cầu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; và tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng mới các cơ chế đặc thù đáp ứng các yêu cầu phát triển đối với từng sản phẩm quốc gia.



Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng 
ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của Bộ KH&CN (Ảnh: HN)

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cơ bản nhất trí với những nội dung báo cáo đưa ra, đặt nhiều câu hỏi để làm rõ một số nội dung, đồng thời kiến nghị các báo cáo cần bổ sung thêm thông tin, phân tích, làm nổi bật thực trạng, hiệu quả thực hiện các chương trình và việc sử dụng Quỹ NAFOSTED. Các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chủ quản, cơ quan, đơn vị thực hiện đưa ra được kiến nghị, đề xuất xác đáng nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, giữa trung ương và địa phương để từ đó, cùng với các cơ quan lập pháp, hành pháp đưa ra được những chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển KH&CN, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 6657

Về trang trước Về đầu trang