Tin KHCN trong tỉnh
“Đòn bẩy” khoa học và công nghệ ở Bà Rịa - Vũng Tàu (02/06/2016)
-   +   A-   A+   In  
Với quyết tâm nâng cao chất lượng và năng suất lao động, từng bước đưa những công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, công nghiệp xanh, nhiều giải pháp khoa học và công nghệ, cùng các sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đang được áp dụng rộng khắp ở hầu hết các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là động lực, đòn bẩy giúp địa phương có bước phát triển nhanh và bền vững.

 

 

 
Nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được ký kết tại hoạt động "Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ". Trong ảnh: Khách tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ của Trường đại học Bà Rịa - Vũng Tàu

Biến ý tưởng thành hiện thực

 

Trong số gần 400 giải pháp, ý tưởng tham gia Cuộc thi Ý tưởng khoa học lần thứ nhất do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phát động từ tháng 6-2015 đến tháng 3-2016, có rất nhiều giải pháp mang tính ứng dụng cao, đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Tác giả Tạ Duy Hảo (công tác tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc), một trong những người tham gia cuộc thi, chia sẻ: “Theo quy trình phân loại và thu gom, xử lý chất thải thì chất thải lây nhiễm trong ngành y tế phải được khử khuẩn trước khi đưa ra môi trường. Để khử khuẩn, toàn bộ chất thải phải bỏ vào thùng có chứa dung dịch khử khuẩn. Đây là công việc tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao do tiếp xúc trực tiếp với các loại bông băng, gạc, các vật tư y tế đã qua sử dụng…”.

 

Anh Hảo tâm sự: “Trong một chuyến đi tham quan ở miền Tây, tôi thấy người dân nơi đây dùng vó để đánh bắt tôm, cá. Tôi nghĩ, tại sao mình không làm một cái vó nhỏ hơn, vừa với thùng đựng chất thải lây nhiễm, để bỏ vào thùng, đến khi thu gom chất thải chỉ cần nhấc chiếc vó lên, nước dung dịch sẽ chảy hết xuống thùng và người hộ lý dễ dàng lấy rác thải đưa đến nơi xử lý. Như vậy, vừa an toàn, vừa tiết kiệm thời gian”. “Chiếc vó an toàn” của anh Hảo đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. Chỉ với khoảng 50 nghìn đồng để làm nhưng “chiếc vó an toàn” có tính ứng dụng cao, áp dụng được tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

 

Lăn lộn với thực tiễn, với công việc hằng ngày, đã trở thành “chất men” để những người nông dân, công nhân, những “nhà khoa học không chuyên” đem những sáng kiến của mình ứng dụng vào cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Gia, một trong những nông dân, tác giả của sản phẩm “Xe lu nền ruộng muối”, cho biết: “Trong quá trình làm muối, công đoạn làm mặt nền là nặng nhọc và tốn kém chi phí lớn nhất. Để làm công việc này, trước kia các diêm dân thường sử dụng đầm bằng tay rất nhọc nhằn, thời gian gần đây họ đã cải tiến lên thành con lăn kéo tay. Tuy nhiên, kết quả cũng không cải thiện nhiều, chính từ đó, tôi đã nghiên cứu và chế tạo ra xe lu nền ruộng muối, kết hợp cào muối”.

 

Từ khi sản phẩm này được áp dụng rộng rãi tại các đồng muối trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các công đoạn nạo vét lớp bùn rong rêu, thu hoạch muối và vận chuyển muối vào kho đã được cơ giới hóa, chất lượng hạt muối sau thu hoạch được bảo đảm. Gánh nặng của nghề đã bớt đè nặng lên đôi vai của những diêm dân vốn chỉ biết “lấy công làm lãi” này.

 

Gian trưng bày của Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tại hoạt động
"Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ".

 

Việc liên tục tổ chức các cuộc thi ý tưởng, các giải pháp khoa học và công nghệ trên địa bàn không chỉ lôi cuốn các cán bộ, kỹ sư hay những công nhân, nông dân trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, mà còn có sự tham gia của rất nhiều gương mặt trẻ là các học sinh, sinh viên đam mê nghiên cứu. Mặc dù kinh nghiệm chưa nhiều nhưng những giải pháp của các tác giả trẻ lại có tính ứng dụng cao, có thể áp dụng ngay vào thực tiễn. Giải pháp “Trạm thời tiết cá nhân” của hai tác giả Lê Tuấn Kiệt và Trần Quốc Hải (học sinh Trường THPT Châu Thành) và giải pháp “Giấy thử thông minh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm” của tác giả Lê Thị Nga, sinh viên năm thứ hai Trường đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, là những thí dụ điển hình... Tác giả Lê Thị Nga cho biết: “Đây là kết quả nghiên cứu dịch chiết suất từ một số loại trái cây, củ quả sẵn có giúp nhận biết một số hóa chất độc hại có trong thực phẩm, góp phần giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Giải pháp của em đơn giản và rẻ hơn rất nhiều so với các giải pháp đã có hiện nay trên thị trường”.

 

Đặc biệt, phong trào nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật đã lan tỏa sang cả các cán bộ người nước ngoài và những nhà khoa học không chuyên ngoài tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là giải pháp “Thay thế phần ống chống nằm trong lòng đất khi sử dụng ống chống tách nước biển 508 mm, bề dày 19,05 mm bằng ống chống 508 mm bề dày 12,7 mm với mác thép và loại ren không đổi” của nhóm tác giả Nguyễn Như Bình, Nguyễn Xuân Quang và Chánh kỹ sư người Nga A-pô-lô-nốp thuộc Liên doanh Vietsovpetro. Giải pháp đã được áp dụng trong thực tế và tiết kiệm cho doanh nghiệp mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Tác giả Cao Đồng Thạnh (73 tuổi) thuộc tỉnh Bình Dương, sau nhiều năm làm việc và nghiên cứu tại Mỹ, đã đề xuất giải pháp: “Hệ thống chuyển hóa năng lượng bằng cơ chế thủy điện (Hydro Power Conversion System)” nhằm khắc phục những nhược điểm trong sử dụng điện mặt trời, điện gió là không cần sử dụng hệ thống bình điện, nếu tiếp tục được nghiên cứu, phát triển rất có thể giải pháp nói trên sẽ trở thành giải pháp hữu ích trong ngành năng lượng.

 

Đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất

 

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình “Khảo nghiệm trồng hành lá và rau cải kết hợp phân bón khoáng chất na-nô công nghệ Đức, hệ thống lưới ngăn côn trùng gây hại và công nghệ tưới nhỏ giọt I-xra-en theo hướng VietGap”, ông Nguyễn Văn Thanh, ở ấp Láng Cát, xã Tân Hải, huyện Tân Thành, hào hứng cho biết: “Hiệu quả thấy rõ, rất phù hợp với người trồng rau chúng tôi. Rau trồng trong nhà lưới, không phải xịt thuốc và đỡ tốn phân hóa học, có lợi cho sức khỏe người trồng và người sử dụng sản phẩm”.

 

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đỗ Hữu Hiền cho biết: “Đây là mô hình khảo nghiệm, sử dụng lưới ngăn côn trùng gây hại và hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ I-xra-en trồng hành lá và rau cải. Sản phẩm sau thu hoạch đáp ứng tất cả các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình phù hợp với chi phí đầu tư của nông dân và khí hậu tại Bà Rịa - Vũng Tàu; đồng thời đáp ứng nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng trong tỉnh”. Tương tự như vậy, mô hình thử nghiệm nuôi hàu sữa Thái Bình Dương của bốn hộ dân xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) cũng đang cho những kết quả tích cực.

 

Ông Hiền cho biết: “Với tổng diện tích khoảng 4 ha mặt nước, sản lượng dự kiến sau thu hoạch khoảng 400 tấn. Ưu điểm của loại hàu này là sản lượng tăng gấp đôi và thời gian nuôi ngắn hơn (chỉ khoảng bảy tháng) so với loại hàu lá tự nhiên (khoảng 16 tháng). Đặc biệt, hàu sữa Thái Bình Dương dễ thích nghi với môi trường cho nên hạn chế được rủi ro”. Bà Trần Mai Duyên, một trong bốn hộ triển khai mô hình này, phấn khởi cho biết: “Khi nước bị ô nhiễm, hàu thường sẽ chết nhưng hàu Thái Bình Dương ngậm miệng lại cho nên không bị chết. Hàu sữa Thái Bình Dương rất sạch, sản lượng cao và chất lượng tốt. Hàu này ruột to, còn hàu thường vỏ rất dày và ruột nhỏ hơn”.

 

Không dừng ở việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, trong suốt những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương tiên phong trong việc liên kết “ba nhà” - nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Thạc sĩ Phạm Ngọc Vũ, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học - công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), Chủ nhiệm dự án “Sàn giao dịch công nghệ trực tuyến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” cho biết: “Mô hình sàn giao dịch công nghệ được hầu hết các quốc gia có nền khoa học tiên tiến trên thế giới áp dụng từ lâu. Và để phát triển thị trường công nghệ không thể không thành lập sàn giao dịch”.

 

Cũng theo anh Vũ, để triển khai Sàn giao dịch công nghệ, nhóm thực hiện dự án đã khảo sát khoảng 300 doanh nghiệp về khả năng và năng lực cung cấp chuyển giao công nghệ, máy móc thiết bị và nhu cầu được chuyển giao. Đây sẽ là nơi cung cấp thông tin trực tuyến về nguồn cung công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu khoa học, các sáng kiến, sáng chế trong và ngoài nước và nguồn cầu công nghệ, tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất… Hiện tại, Sàn giao dịch công nghệ trực tuyến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (tại hai địa chỉ: http://bavutex.baria-vungtau.gov.vn hoặc http://bavutex.vn) đang được vận hành với sự đăng ký tham gia của 29 chuyên gia và 30 tổ chức tư vấn, cùng hàng trăm nhà cung cấp, doanh nghiệp, bước đầu cho hiệu quả rất đáng khích lệ.

 

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Mai Thanh Quang cho biết: Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn xem khoa học - công nghệ là “đòn bẩy” để nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại đang được triển khai rộng khắp ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, tạo động lực giúp địa phương có sự phát triển nhanh và bền vững. Theo thống kê, trung bình mỗi năm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 12 đề tài, dự án khoa học và công nghệ được triển khai và đều phát huy hiệu quả. Đây chính là cơ sở để Bà Rịa - Vũng Tàu duy trì tốc độ phát triển, xây dựng các chương trình, mục tiêu nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 6.

 

Nguồn: brt.vn

Số lượt đọc: 8027

Về trang trước Về đầu trang