Tin KHCN nước ngoài
NASA đo kích thước hạt mưa từ không gian để tìm hiểu về bão (12/04/2016)
-   +   A-   A+   In  

Không phải tất cả các hạt mưa được tạo ra đều có kích thước như nhau. Kích thước của hạt mưa phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm vị trí mây tạo mưa được xác định trên địa cầu và nơi bắt nguồn của những hạt mưa trong đám mây. Đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học chụp nhanh hình ảnh 3D về những hạt mưa và bông tuyết trên toàn thế giới từ không gian trong sứ mệnh đo lượng mưa toàn cầu (GPM) có sự phối hợp giữa NASA và Cơ quan thăm dò hàng không vũ trụ Nhật Bản. Với dữ liệu toàn cầu mới về kích thước của hạt mưa và bông tuyết, các nhà khoa học có thể cải thiện những ước tính về lượng mưa từ dữ liệu vệ tinh và trong các mô hình dự báo thời tiết bằng số, giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn và chuẩn bị cho các sự kiện thời tiết cực đoan.

"Sự phân bố kích thước của hạt mưa là một trong những yếu tố dự báo cường độ bão, thời gian bão và cuối cùng là mức độ ảnh hưởng của bão", ông Joe Munchak, nhà nghiên cứu khí tượng tại Trung tâm không gian Goddard thuộc NASA nói. "Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ quan sát thấy sự thay đổi kích thước của hạt mưa trên toàn cầu”.

 

Những đám mây bão chứa các hạt nhiều kích thước khác nhau, cuối cùng rơi xuống dưới dạng mưa và tuyết. Nhìn chung, trong phần lõi mây, các hạt mưa có xu hướng lớn hơn vì chúng va vào nhau và kết lại khi rơi xuống bề mặt Trái đất, trong khi những hạt mưa nhỏ xuất hiện tại các đỉnh và độ cao cao hơn. Những hạt mưa có xu hướng nhỏ lại khi chúng không va chạm với các hạt khác hoặc vỡ ra. Các nhà khoa học đề cập đến những hạt mưa và bông tuyết có kích thước không giống nhau tại những vị trí khác nhau trong đám mây như là sự "phân bố kích thước hạt".

 

Để xác định chính xác lượng mưa trong một cơ bão, các nhà khoa học cần phải hiểu tỷ lệ giữa các hạt mưa lớn với hạt mưa kích thước nhỏ hoặc trung bình. Trước đây, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết về tỷ lệ này khi các nghiên cứu được thực hiện tại những địa điểm cách biệt và dữ liệu toàn cầu còn hạn chế.

 

"Không xác định được mối quan hệ hoặc tỷ lệ giữa những hạt lớn với những giọt nhỏ hoặc trung bình, chúng tôi sẽ sai sót trong việc xác định lượng mưa rơi và điều đó tác động lớn đến sự tích tụ lâu dài, có thể giúp dự báo lũ quét", Munchak nói.

 

Với những hình ảnh chụp nhanh 3D về sự phân bố kích thước hạt, các nhà khoa học cũng có thể hiểu sâu hơn cấu trúc và diễn biến bão. Sự phân bố kích thước hạt ảnh hưởng đến sự phát triển của bão thông qua thay đổi tỷ lệ bay hơi của mưa vì mưa rơi qua không khí khô. Ví dụ, những hạt mưa nhỏ có xu hướng bay hơi nhanh hơn và sau đó làm mát không khí mạnh hơn. Quá trình này khiến cho dòng khí đi xuống mạnh hơn, gây ảnh hưởng không tốt đến gió khi gió di chuyển xuống mặt đất. Tuy nhiên, dòng khí này có thể ảnh hưởng đến không khí đi lên, làm bão suy yếu hoặc tan.

 

GPM đã được công bố năm 2014 và mang theo Radar lượng mưa tần số kép đầu tiên (DPR) để bay trong không gian, cũng như bộ tạo ảnh vi sóng GPM đa kênh (GMI). DPR cung cấp các số đo 3D về lượng mưa, trong khi GMI sử dụng một bộ gồm 13 tần số tối ưu hóa để đo lượng mưa lớn, trung bình và nhỏ trên bề mặt Trái đất. Thông tin về lượng mưa do GPM cung cấp từ không gian, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến các mô hình dự báo thời tiết.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 3159

Về trang trước Về đầu trang