Tin KHCN trong nước
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Tôn vinh những đỉnh cao năng suất chất lượng (01/04/2016)
-   +   A-   A+   In  

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tôn vinh các doanh nghiệp xuất sắc nhất về năng suất chất lượng; mở ra triển vọng cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Đây là một trong những nội dung chính của Hội thảo "Giải thưởng Chất lượng Quốc gia hướng tới sự phát triển bền vững" do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức sáng ngày 30/3/2016 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho rằng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được xét tặng hàng năm cho các doanh nghiệp nổi bật có thành tích áp dụng thành công các công cụ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đóng góp lớn cho xã hội.

 

Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia góp phần tôn vinh các doanh nghiệp làm tốt năng suất, chất lượng

 

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, qua 20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã có thương hiệu, uy tín với doanh nghiệp. Đây là một tiền đề rất quan trọng. Việt Nam đang bước vào quá trình hội nhập, các doanh nghiệp có cơ hội và thách thức lớn. Trong đó, đối với các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường được xem là yếu tố sống còn của họ.

 

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, nhận diện rõ thêm các công cụ tăng năng suất, chất lượng theo 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

 

"Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là cơ hội để đánh giá lại điểm mạnh yếu của mỗi doanh nghiệp. 20 năm qua, có khoảng 2.000 doanh nghiệp được trao giải, là con số khá khiêm tốn. Quy chế và tiêu chí xét thưởng của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia rất ngặt nghèo, chặt chẽ. Do vậy, làm thế nào để tăng sự quan tâm của doanh nghiệp, có thể hàng năm có đến hàng ngàn doanh nghiệp tham gia. Từ đó lựa chọn ra những doanh nghiệp xứng đáng nhất... là điều mà Ban tổ chức giải đang hướng tới”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

 

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng: Giải thưởng Chất lượng Quốc gia với các tiêu chí chặt chẽ, khắt khe góp phần tạo thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp khi hội nhập.

 

Đánh giá tổng quan về hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong lĩnh vực năng suất chất lượng, ngay từ năm 2009, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được thực hiện chính thức theo Luật Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Do đó, không phải đến 2016, khi chuẩn bị hoàn tất TPP và một loạt các hiệp định khác Việt Nam mới phải đối mặt với quá trình hội nhập về vấn đề chất lượng.

 

Đặc biệt, ngay từ những năm 1995, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã công bố Thập niên Chất lượng lần thứ I, kéo dài 10 năm. Như vậy, cách đây 21 năm đã đánh dấu thời điểm chuyển mình, khi chúng ta tham gia vào cộng đồng ASEAN là bước mở màn cho quá trình hội nhập. Sau đó 1 năm, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia ra đời với tên gọi trước đó là Giải thưởng Chất lượng Việt Nam.

 

“Như vậy, trong lĩnh vực chất lượng, không phải Việt Nam chậm chạp mà khá nhanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Như Malaysia ra đời Giải thưởng Chất lượng Quốc gia sau Việt Nam 2 năm”, ông Nguyễn Nam Hải nói.

 

Theo ông Hải, sự ra đời của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một dấu mốc không có tính ngẫu nhiên mà gắn với quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam. Tới đây chúng ta sẽ tiếp tục xem xét cải tiến giải thưởng để Giải thưởng Chất lượng Quốc gia để giải này có hơi thở thực tế nhiều hơn nữa.

 

Với gần 2.000 doanh nghiệp được trao giải là một con số khiêm tốn về số lượng. Tuy nhiên, ngược lại cũng cho thấy đây không phải là một giải thưởng tràn lan mà rất chọn lọc.

 

Toàn cảnh Hội thảo Giải thưởng Chất lượng Quốc gia hướng tới sự phát triển bền vững

 

Đánh giá một cách toàn diện về chất lượng của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, có 3 vấn đề quan trọng nhất để định vị thương hiệu Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Thứ nhất, có khoảng 60 Giải thưởng Chất lượng cấp cho các sản phẩm hàng hóa được cấp cho các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, đây là giải thưởng chất lượng cao nhất, duy nhất được ghi nhận trong Luật. Thứ hai, cùng với việc tham gia là thành viên chính thức của Tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã được Tổ chức này ghi nhận chính thức. Thứ ba, bên cạnh ý nghĩa mang tính tôn vinh, tìm ra doanh nghiệp đẩy họ lên trên cao phất cờ, thông điệp chúng tôi muốn gửi là việc áp dụng các mô hình quản lý của doanh nghiệp, là các mô hình tiên tiến nhất trên thế giới. Một trong những điều cốt lõi nhất là doanh nghiệp muốn bền vững phải phát huy năng lực thực sự.

 

Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong quá trình đổi mới của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

 

Ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho rằng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia không chỉ được thiết kế để thể hiện các tiêu chí và quy trình với mục đích tôn vinh, khen thưởng về chất lượng cho các doanh nghiệp mà còn được sử dụng như một công cụ tự đánh giá hiệu quả đối với những doanh nghiệp quan tâm đến hiệu quả của hệ thống quản lý và huy động mọi nguồn lực định hướng đến sự cải tiến và đổi mới liên tục hệ thống quản lý và hiệu quả hoạt động của mình.

 

Trong khuôn khổ của Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã giải đáp nhiều thắc mắc cho doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề tham gia và lợi ích của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia

 

“Hầu hết các doanh nghiệp trong mọi quốc gia thuộc mọi loại hình đều quan tâm đến chất lượng và đều có những nhận thức mới, đúng đắn về chất lượng. Sự thắng bại trong cuộc chạy đua đường dài vì chất lượng đang còn ở phía trước. Phần thắng chắc chắn thuộc về những quốc gia và doanh nghiệp có chiếc lược kinh doanh đúng đắn, trong đó có chiến lược vì chất lượng”, ông Phùng Mạnh Trường nói.

 

Dưới góc độ là doanh nghiệp từng đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc – Hóa dầu Bình Sơn cho hay, nâng cao chất lượng sản phẩm là mục tiêu trong chiến lược của doanh nghiệp. “Với tiêu chí sản phẩm do Lọc -Hóa dầu Bình Sơn sản xuất ra phải luôn đáp ứng yêu cầu không chỉ về chất lượng mà còn về môi trường và an toàn sức khỏe. Từ năm 2009, Công ty đã xây dựng Hệ thống quản lý tích hợp QHSE trên phạm vi toàn công ty để quản lý đồng bộ các vấn đề nói trên theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008, ISO 14001:2004 và OHSAS 18001:2007”, ông Trần Nguyên Ngọc nói.

 

Còn theo ông Trịnh Đình Năng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhiệt công nghiệp HTL đánh giá, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia có một phương pháp tiếp cận để quản lý doanh nghiệp rất khoa học, phù hợp với mọi doanh nghiệp dù sản xuất quy mô nhỏ hay vừa. Đây sẽ là một cách tiếp cận đúng đắn cho hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam

 

Được biết, Hội thảo lần này nằm trong chuỗi sự kiện 20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Lễ “Kỷ niệm 20 năm Giải thưởng và Lễ trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia - Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương” dự kiến sẽ được truyền hình trực tiếp tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tháng 4/2016.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4884

Về trang trước Về đầu trang