Tin KHCN nước ngoài
Hội nghị thế giới lần thứ 4 về Khu dự trữ sinh quyển (23/03/2016)
-   +   A-   A+   In  

Từ ngày 14-17/3/2016 tại Lima, Peru, UNESCO đã tổ chức Hội nghị thế giới lần thứ 4 về các Khu dự trữ sinh quyển (4th World Congress of Biosphere Reserves).

 

Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO được thành lập từ năm 1970 nhằm tìm kiếm những nguyên lý cơ bản cho sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, sử dụng những công nghệ mới, hiện đại để thực hiện những ý tưởng này. Chương trình đã thành lập mạng lưới “Khu dự trữ sinh quyển”, là những hệ sinh thái trên cạn và biển, nơi nguồn tài nguyên di truyền được bảo vệ và dung hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững. Từ đó đến nay đã có 651 Khu dự trữ sinh quyển tại 120 quốc gia được UNESCO công nhận.

 

Mục tiêu của Hội nghị tại Lima lần này bao gồm: Đánh giá việc thực hiện Chương trình Hành động Madrid cho các Khu dự trữ sinh quyển giai đoạn 2008-2013, Chiến lược và khung Seville năm 1995; Đánh giá các bài học kinh nghiệm và những thách thức mới mà các Khu dự trữ sinh quyển phải đối mặt trong thời gian tới; Đưa ra Chương trình hành động cho các Khu dự trữ sinh quyển cho giai đoạn 2016-2025.

 

Nội dung của Hội nghị là đề cập các vấn đề khác nhau liên quan đến Mục tiêu phát triển bền vững của thiên niên kỷ và Chương trình Phát triển sau 2015 như giáo dục cho sự phát triển bền vững, khả năng kinh tế của các hệ thống bảo tồn thiên nhiên, di cư của con người và bảo vệ tài nguyên.

 

Đến dự Hội nghị đã có 1200 đại biểu từ 120 quốc gia. Bà Flavia Schegel, Phó Tổng Giám đốc UNESCO phụ trách Khoa học Tự nhiên chủ trì Hội nghị.

 

Kết quả Hội nghị đã thông qua Chương trình Hành động Lima, bầu Hội đồng điều phối quốc tế (ICC) cho nhiệm kỳ mới, và thông qua 20 Khu dự trữ sinh quyển mới.

 

 

Đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị gồm có Đại diện của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam và đại diện của Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang. Đoàn Việt Nam đã mang các tài liệu giới thiệu 09 Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam sang Hội nghị để quảng bá.

 

Đại diện của Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam đã có báo cáo về Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ theo đặt hàng của Ban Tổ chức tại Hội thảo “Phục hồi các hệ sinh thái”. Cần Giờ được Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO đánh giá rất cao vì Việt Nam đã thành công trong việc phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn. Trong chiến tranh chống Mỹ, rừng ngập mặn Cần Giờ bị hủy diệt 80% do chất diệt cỏ, trong đó có cả chất độc da cam. Sau chiến tranh, đặc biệt từ năm 1978-1991, một chương trình phục hồi rừng đã được thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thực hiện, và khoảng 20,000 ha rừng đã được trồng lại. Năm 2000, Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4236

Về trang trước Về đầu trang