Tin KHCN trong nước
Tăng ứng dụng công nghệ để tiết kiệm nước (20/03/2016)
-   +   A-   A+   In  

Nước là tài nguyên sẵn có, nhiều, nhưng không vô tận, do đó cần được sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả. Ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng để tiết kiệm nước trong khi vẫn phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ.

Đây là những khuyến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại một hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức gần đây.

 

Việt Nam vẫn thiếu nước

 

Theo Bộ TN&MT, Việt Nam có 108 lưu vực sông, với 3.450 sông, suối tương đối lớn và tổng lượng nước trung bình hằng năm khoảng 830 tỉ m3, trong đó có 300 tỉ m3 là trong lãnh thổ (chiếm 40%) và khoảng trên 500 tỉ m3 là nước từ ngoài lãnh thổ. Diện tích các lưu vực sông chiếm 80% diện tích của cả nước. Lượng mưa trung bình hằng năm là 1.960 mm.

 

Nước ngầm dù có tiềm năng ước tính khoảng 63 tỉ m3/năm nhưng chỉ tập trung ở một số khu vực như đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ và khu vực Tây Nguyên. Con số này nếu so với thế giới thì Việt Nam ở mức dưới trung bình.

 

Theo các kết quả nghiên cứu, cứ 25 năm nhu cầu nước ngọt trên toàn thế giới tăng gần 2 lần do quy mô tăng dân số, trong đó, 74-85% nước được dùng cho sản xuất nông nghiệp.

 

Thực tế cho thấy, nguồn tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, hiệu quả sử dụng thấp, nguồn nước ô nhiễm, lũ lụt, hạn hán, các hiện tượng xâm nhập mặn cũng như biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

 

Theo Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), lượng nước mặt bình quân theo đầu người của Việt Nam năm 2015 chỉ có 3.850 m3. Như vậy, so với ngưỡng trung bình 4.000 m3/năm, Việt Nam thuộc vào nhóm quốc gia thiếu nước.

 

Hai hướng nghiên cứu công nghệ tiết kiệm nước

 

Với bức tranh toàn cảnh về nguồn và nhu cầu sử dụng nước nêu trên, các chuyên gia khẳng định cần tập trung vào phát triển các công nghệ duy trì và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ngọt hiện có và tạo nguồn nước ngọt mới từ nước biển.

 

Tương ứng với những “đề bài” này, theo ông Ngô Văn Mơ, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng khoa học công nghệ, Bộ TN&MT cho biết, hiện đang có hai hướng nghiên cứu chính là tạo và phát triển các công nghệ nhằm tái tạo, tái sử dụng và giảm thiểu việc sử dụng nước ngọt; và phát triển các công nghệ có giá thành thấp nhằm tách muối, lọc mặn nước biển thành nước ngọt. Nhiều nơi trên thế giới đã triển khai trên thực tế những nghiên cứu này. Như tại thành phố Perth (Australia), 20% tổng lượng nước cung ứng cho khu vực này là nước thải đã qua xử lý. Hay như tại Israel, nước này đã xây dựng nhà máy khử mặn nước biển cung cấp hơn 600.000 m3 nước sinh hoạt, đáp ứng 20% tổng nước sinh hoạt cho cả quốc gia này với chi phí 400 triệu USD.

 

Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, các nhà khoa học đã tích cực nghiên cứu theo các hướng nghiên cứu phổ biến nêu trên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực trong việc ứng dụng những thành quả nghiên cứu như công nghệ thủy lợi thông minh, tưới tiết kiệm nước... để áp dụng trong thực tế.

 

Khuyến khích ứng dụng công nghệ bằng chính sách

 

Là một quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng nhất của biến đổi khí hậu, dự báo không lâu nữa, nhiều vùng tại Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

 

Trong bối cảnh đó, việc chỉ đạo các hướng nghiên cứu và các chính sách hỗ trợ nghiên cứu đã được quan tâm ở tất cả các cấp, từ Chính phủ tới các bộ, ngành. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ trong sản xuất nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nước.

 

Cụ thể, ngày 8/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2015/NĐ-CP quy định ưu đãi về vay vốn, miễn, giảm thuế đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

 

Theo đó, Nhà nước sẽ ưu tiên hỗ trợ vốn nếu đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp hạng mục công trình để thu gom, xử lý nước thải có quy mô từ 40 m3/ngày đêm trở lên, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước phù hợp với mục đích được tái sử dụng và sử dụng lượng nước đó cho các hoạt động của tổ chức đạt từ 80% trở lên; tổ chức đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp, đầu tư chiều sâu hạng mục công trình để sử dụng nước tuần hoàn cho các hoạt động của đơn vị với quy mô từ 500 m3/ngày đêm trở lên...

 

Việc ưu đãi vốn đầu tư cũng được áp dụng cho các dự án thu gom nước mưa để sử dụng cho sinh hoạt tại các địa bàn vùng núi, vùng khó khăn; khử muối từ nước lợ, nước mặn thành nước ngọt để sử dụng cho mục đích sinh hoạt…

 

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân áp dụng công nghệ, kỹ thuật, biện pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp với quy mô từ 0,5 ha trở lên đối với tưới lúa nước, 1 ha trở lên đối với tưới cây trồng cạn cũng được hưởng ưu đãi.

 

Bên cạnh ưu đãi về vốn là các ưu đãi đối với hoạt động đầu tư sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm. Chẳng hạn, doanh nghiệp được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập có được từ hoạt động đầu tư sản xuất sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm theo quy định của pháp luật về thuế.

 

Với những chính sách ưu đãi cụ thể nêu trên, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên trước những diễn biến bất thường của thiên nhiên, đặc biệt là nhận thức về hậu quả của việc thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, theo các nhà khoa học, Chính phủ cần phải có thêm nhiều chính sách ưu đãi mạnh hơn nữa, để khuyến khích không chỉ việc ứng dụng công nghệ, mà còn cả các hoạt động nghiên cứu theo các xu hướng chung của thế giới.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 5368

Về trang trước Về đầu trang