Tin KHCN nước ngoài
Sản xuất xi măng từ thủy tinh (01/03/2016)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu cấp cao Cinvestav, bang Coahuila, Mexico cho biết đã sản xuất thành công một loại xi măng bằng cách tái sinh thủy tinh và rác thải. 

Theo các nhà khoa học, để sản xuất loại xi măng này, họ sẽ rửa sạch thủy tinh rồi đem sấy khô, nghiền nhỏ, cán thành bột và trộn với đá vôi. Hỗn hợp này sau đó được kích hoạt hóa tính bằng các hợp chất của kim loại kiềm để biến thành một dạng hợp chất dẻo (giống như xi măng thông thường trộn với nước) trước khi hóa cứng. 


Nhóm nghiên cứu khẳng định sau khi hóa cứng, loại xi măng này có đặc điểm cơ học ưu việt tương tự như loại xi măng chuyên dụng để sản xuất bê tông. Do đó, thị phần mà các nhà sáng chế cho là phù hợp nhất để sử dụng sản phẩm mới này là ngành sản xuất các sản phẩm bê tông đúc sẵn.


Thông thường, xi măng được sản xuất từ đá vôi, đất sét, đá phiến nung ở nhiệt độ 1.450 độ C bằng than cốc và than đá. Theo quy trình sản xuất này, mỗi 1 kg xi măng được sản xuất thì cũng phát thải chừng ấy khí CO2.


Tuy nhiên, loại xi măng mới này chỉ cần nung nóng ở 750 độ C. Ngoài ra, chi phí sản xuất loại xi măng mới này chỉ bằng một nửa so với loại cũ và lượng khí CO2 phát thải cũng giảm tới 80%.


Sự đổi mới này sẽ là một bước nhảy vọt lớn của ngành xây dựng bởi xi măng là sản phẩm được tiêu thụ nhiều thứ 2 sau nước và mỗi năm có gần 2,5 tỉ tấn xi măng được sản xuất trên toàn thế giới.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 3241

Về trang trước Về đầu trang