Tin KHCN trong nước
Liên kết và ứng dụng công nghệ để phát triển nông nghiệp (21/12/2015)
-   +   A-   A+   In  
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh rất ít khi một đơn vị kinh tế có thể đảm nhận tất cả các khâu từ đầu vào đến đầu ra cho một sản phẩm, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay thì sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau, giữa các tổ chức kinh tế với cơ sở sản xuất, hộ nông dân... để phát huy thế mạnh, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh là một xu thế tất yếu.

Ngày 16/12/2015, tại Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã tổ chức Hội thảo “Đầu tư và thương mại hóa sáng chế phục vụ sản xuất nông nghiệp”. Chương trình có sự tham dự của Ông Trần Văn Tùng- Thứ trưởng Bộ KH&CN, Ông Đặng Huy Đông- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Ông Nguyễn Trung Quỳnh- Phó Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các nhà khoa học quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn chia sẻ các thực trạng, thuận lợi và khó khăn trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, những trăn trở từ lâu xoay quanh vấn đề làm thế nào để nâng cao năng suất, giá thành và vị thế cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam với thị trường thế giới.

 

Nhiều tham luận đã được nêu ra tại Hội thảo để giải quyết vấn đề trên. Ông Đàm Quang Thắng- Tổng Giám đốc Công ty Nano STV cho rằng cần hợp tác và phát triển công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ ba bên với các nhà khoa học và nhà đầu tư để có thể sáng chế, phát triển các sản phẩm mới, ưu việt ứng dụng vào đời sống xã hội nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Hiện nay, Công ty Nano STV đã hợp tác nghiên cứu và thương mại hóa thành công chế phẩm Nano bạc phòng trừ sâu bệnh trong nông nghiệp.

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng và Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông tham quan khu trưng bày sản phẩm

 

“Để phát huy hiệu quả của các nghiên cứu, sáng chế cần thúc đẩy đầu tư và thương mại hóa sáng chế từ các trường đại học, viện nghiên cứu” là ý kiến của TS. Nguyễn Việt Long- đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Các trường, học viện là nơi tập trung đội ngũ nghiên cứu đông đảo với chất lượng cao, vì thế nếu tận dụng được nguồn lực này và có cơ chế hỗ trợ phù hợp thì tiềm năng sáng tạo là rất lớn.

 

ThS Nguyễn Thị Tuyết, đại diện Công ty Cổ phần Công nông nghiệp sạch Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần tự nỗ lực để cạnh tranh trước khi trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy về chuỗi giá trị và áp dụng các mô hình thông minh vào sản xuất kinh doanh. Đây là mô hình tận dụng các sản phẩm trong chuỗi sản xuất để tương hỗ và nâng cao hiệu quả. Công ty Cổ phần Công nông nghiệp sạch Việt Nam đang áp dụng mô hình kết hợp giữa sản xuất lúa CXT30 với rươi và chăn nuôi vịt. CXT30 là giống lúa mới, ưu việt mà Công ty đã kết hợp với các nhà khoa học để nghiên cứu trong vòng 5 năm, hiện nay đã thương mại hóa và đưa vào sản xuất.

 

Ông Nguyễn Ninh Hồng Quang- Phó Giám đốc Trung tâm DV, trình diễn và CGCN Hòa Lạc với tham luận về “Phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị”

 

Sau phần tham luận, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi tập trung vào vấn đề ứng dụng và thương mại hóa sáng chế trong sản xuất nông nghiệp với sự điều phối của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT.

 

Trăn trở của nhà khoa học đó là việc bảo vệ, định giá sáng chế. Trả lời cho vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng cần có sự vào cuộc của cả nhà khoa học kết hợp với cơ quan quản lý nhà nước, với sự quyết tâm và tin tưởng vào tương lai. Thứ trưởng cũng giao đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN làm việc với các nhà khoa học để hỗ trợ, tư vấn các phương pháp định giá công nghệ.

 

Với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, một trong những khó khăn đó là thiếu các cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm để đánh giá, kiểm thử về mặt chất lượng cho các sản phẩm. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để cấp giấy phép kinh doanh, góp phần đưa sản phẩm tốt vào phục vụ đời sống xã hội.

 

Để khắc phục các khó khăn trên, cần có sự kết hợp giữa các bên từ cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp với sự cam kết nghiêm túc cũng như hướng tới mục tiêu chung phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Cần nghiên cứu và phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm mới, ưu việt bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách để nhanh chóng đưa các sáng chế vào sản xuất.

 

Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Công ty cổ phần Truyền thông Trường Thành và Đại học Lâm Nghiệp ký kết hợp tác hỗ trợ ứng dụng, thương mại hóa sáng chế trong sản xuất nông nghiệp

 

Trung tâm Trình diễn và Chuyển giao công nghệ – Khu CNC Hòa Lạc với Công ty cổ phần Truyền thông Trường Thành, Công ty TNHH Agricare Việt Nam, Công ty S-plan Nhật Bản ký kết hợp tác hỗ trợ ứng dụng, thương mại hóa sáng chế trong sản xuất nông nghiệp

 

Công ty TNHH Công nghệ Nano STV, Công ty Cổ phần quốc tế An Việt ký kết hợp tác hỗ trợ ứng dụng, thương mại hóa sáng chế trong sản xuất nông nghiệp

 

Tại Hội thảo cũng đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác hỗ trợ ứng dụng, thương mại hóa sáng chế trong sản xuất nông nghiệp giữa Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Công ty cổ phần Truyền thông Trường Thành và Đại học Lâm Nghiệp; giữa Trung tâm Trình diễn và Chuyển giao công nghệ – Khu CNC Hòa Lạc với Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành, Công ty TNHH Agricare Việt Nam, Công ty S-plan Nhật Bản; giữa Công ty TNHH Công nghệ Nano STV, Công ty Cổ phần quốc tế An Việt.

 

Tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng vui mừng vì các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học đã có tư duy mới về chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Thứ trưởng tin tưởng rằng, với sự kết nối giữa các tổ chức kinh tế với nhau, giữa các tổ chức kinh tế với cơ sở sản xuất, hộ nông dân… cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ là những yếu tố then chốt để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, tăng tính cạnh tranh cũng như giá thành đối với các sản phẩm nông nghiệp, qua đó nâng cao đời sống nông dân cũng như sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 7957

Về trang trước Về đầu trang