Tin KHCN trong nước
Đầu tư vào công nghệ trong lĩnh vực vũ trụ: Sẽ làm chủ công nghệ và hội nhập quốc tế thành công (15/12/2015)
-   +   A-   A+   In  

 “Nếu chúng ta tiếp tục đầu tư vào Chương trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vũ trụ (CNVT) thì Việt Nam sẽ tiếp tục làm chủ được công nghệ và hội nhập với quốc tế một cách thành công”.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho biết tại Hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tên lửa, vệ tinh và các hệ thống dẫn đường”, do Văn phòng Ủy ban Vũ trụ Việt Nam tổ chức ngày 12/12/2015 tại Hà Nội.

 

Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại Hội thảo

 

Mục đích của Hội thảo nhằm chuẩn bị nội dung hoàn thiện cho Chương trình hành động của Ủy ban Vũ trụ Việt Nam đến năm 2020 nhằm góp phần thực hiện “Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2020” và “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ Việt Nam đến năm 2020”.

 

Trong những năm vừa qua, Chính phủ và cộng đồng khoa học và công nghệ vũ trụ Việt Nam đã triển khai thực hiện các chiến lược và các dự án nhằm phát triển và ứng dụng CNVT phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Có thể thể đến một số thành tựu như: 2 vệ tinh thông tin Vinasat-1, Vinasat-2 và vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 đang hoạt động theo đầy đủ thông số kỹ thuật; Dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang được gấp rút thực hiện.

 

Bên cạnh những dự án trên, Việt Nam rất chú trọng đến vấn đề pháp luật liên quan đến CNVT với việc đẩy mạnh tham gia các công Công ước, Điều ước quốc tế về CNVT và hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển ứng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.

 

Mặc dù có một số kết quả nhất định, song rõ ràng vẫn cần rất nhiều nỗ lực hơn nữa từ các nhà khoa học và các nhà quản lý trong việc sử dụng tăng cường hiệu quả đầu tư từ Chính phủ.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, CNVT là một vấn đề rất mới ở Việt Nam, đặc biệt là với những người làm KH&CN mới tiếp cận những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ này khoảng 15 năm gần đây, nhưng đã có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghệ Vũ trụ đến năm 2020. Qua 5 năm tổ chức việc thực hiện chiến lược, với sự ra đời của Ủy ban Vũ trụ Việt Nam , sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, đặc biệt là chương trình Quốc gia nghiên cứu về CNVT, có thể nói, một số các viện nghiên cứu, trường đại học đã nhanh chóng tiếp cận được với công nghệ mới, đã có được kết quả đáng mừng.

 

Ngoài ra, hiện nay chúng ta đang nghiên cứu gia nhập 5 Hiệp ước Quốc tế về khoảng không vũ trụ. Ngoài việc đã ký các Hiệp định này với Hoa kỳ và với Liên bang Nga thì việc gia nhập 5 Hiệp ước vũ trụ Quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam có thể tham gia vào các chương trình quốc tế về nghiên cứu vũ trụ cũng như tận dụng được hỗ trợ của thế giới thông qua các hợp tác nghiên cứu về vũ trụ và huy động được nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức quốc tế, quốc gia khác.

 

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân thì thách thức lớn nhất trong lĩnh vực CNVT ở Việt Nam hiện nay là làm sao có được đội ngũ nhân lực cao bởi hiện nay đội ngũ nhân lực của chúng ta phát triển tương đối tốt nhưng so với yêu cầu phát triển chưa đáp ứng được.

 

Với các chủ đề như định hướng ứng dụng CNVT trong nghiên cứu, đào tạo nhân lực phục vụ phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh, quốc phòng, 15 báo cáo tại Hội thảo đã đề xuất được các giải pháp khai thác hiệu quả năng lực của các trạm thu mặt đất, từng bước phối hợp tăng cường nội dung phát triển và ứng dụng CNVT phục vụ cho KT-XH Việt Nam, xác định thế mạnh của Việt Nam, góp phần vào hội nhập quốc tế của đất nước.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 6734

Về trang trước Về đầu trang