Tin KHCN trong tỉnh
Hạ thuỷ thành công giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 (14/12/2015)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 13/12, tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã diễn ra lễ hạ thuỷ và gắn biển công trình Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05. Đây là Giàn khoan do Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan dầu khí chế tạo và là giàn khoan lớn nhất từ trước tới nay, có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, có thể khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9000m. 

Tham dự lễ có đồng chí Hoàng Trung Hải - Uỷ viên BCH Trung Ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ KH&CN cùng nhiều Ban, ngành lãnh đạo Trung Ương và địa phương.

 

Là công trình chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Hoa Kỳ với tổng khối lượng là 18.000 tấn; có khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9000m. Kích thước thân giàn 70,4x76x9,5cm; chiều dài thân giàn 167m; được thiết kế có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, có thể hoạt động an toàn trong điều kiện bão cực hạn trên cấp 12.

 

Giàn khoan Tam Đảo 05 được khởi công từ tháng 3/2014, sau 21 tháng nỗ lự làm việc, trải qua các công đoạn như đặt Ky, nối chân giàn, lắp đặt máy phát chính. Với khối thép khổng lồ nặng hơn 13,5 nghìn tấn cùng hàng tấn thiết bị điện, điện tự động, kiến trúc nội thất.

 

Đến ngày 9/12, Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 được kéo về lại cảng của PV Shipyard, chính thức đánh dấu sự thành công của quá trình hạ thuỷ đầy khó khăn và phức tạp. Do khối lượng quá lớn, không thể sử dụng phương pháp truyền thống là dùng cẩu nâng-hạ xuống biển, Công ty PV Shipyard đã quyết định sử dụng phương pháp kéo trượt trên đường trượt (Skidding) - một phương pháp vận chuyển hiện đại lần đầu được áp dụng tại Việt Nam. Tập thể cán bộ công ty đã làm việc liên tục suốt 4 ngày để hạ thuỷ thành công Giàn khoan này.

 

Giàn khoan Tam Đảo 05 được đăng kiểm bởi đơn vị ABS (Hoa Kỳ). Đây là giàn khoan tự nâng thứ 2 do PV Shipyard thực hiện sau Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 đưa vào sử  dụng thành công trong 3 năm qua.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao ý nghĩa của việc tiếp tục sản xuất, chế tạo và đưa vào sử dụng một sản phẩm cơ khí dầu khí quy mô, phục vụ nhiệm vụ thăm dò, khai thác dầu khí, phát triển kinh tế biển.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại lễ hạ thuỷ giàn khoan Tam Đảo 05

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại lễ hạ thuỷ giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05

Việc chế tạo thành công giàn khoan Tam Đảo 03 trước đây và hiện nay là giàn khoan Tam Đảo 05 chính là những mốc son rất đáng tự hào, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí chế tạo giàn khoan tự nâng nói riêng và ngành cơ khí cả nước nói chung. Điều này một lần nữa giúp Việt Nam khẳng định năng lực về chế tạo giàn khoan nói riêng và chế tạo cơ khí dầu khí biển nói chung, đưa Việt Nam góp mặt bên cạnh các quốc gia phát triển khác như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore trên bản đồ chế tạo giàn khoan của thế giới.

 

Với tỷ lệ nội địa hoá đạt mức gần 50%, dự án đã bước đầu tạo cơ sở để giúp xây dựng một hệ thống các ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp cơ khí biển, đóng tàu - một trong những yếu tố được đánh giá là then chốt để giúp thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế biển. Ngành cơ khí của Việt Nam còn non trẻ, xuất phát điểm thấp vì thế luôn được Đảng và Nhà nước khuyến khích và tạo mọi điều kiện phát triển. Thành công của việc chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 là mốc son đánh dấu bước phát triển, sự trưởng thành của ngành cơ khí nói chung, đặc biệt đối với ngành cơ khí chế tạo công trình dầu khí nói riêng.

 

Bên cạnh đó, hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhận chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, nâng dần tỷ lệ nội địa trong một số loại hình dịch vụ đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao theo đúng định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí. Chỉ đạo các đơn vị thi công, bàn giao giàn khoan Tam Đảo 05 cho Vietsovpetro vào tháng 8/2016 bảo đảm chất lượng, an toàn và đúng tiến độ.

 

Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cao tiềm lực, khả năng cạnh tranh của các loại dịch vụ liên quan đến lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí; tăng cường hợp tác nước ngoài, chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, nâng dần tỷ lệ nội địa trong một số loại hình dịch vụ đòi hỏi kỹ thuật cao trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí đã được Chính phủ định hướng phát triển.

Nguồn: Huyền Trang

Số lượt đọc: 7806

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC