Tin KHCN trong nước
Tăng cường kết nối sáng tạo khoa học với doanh nghiệp (20/11/2015)
-   +   A-   A+   In  

Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học sáng tạo vào thực tiễn, cần có sự bắt tay giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, đây được xem là con đường tốt nhất để thương mại hóa các công trình khoa học và cũng là cách làm để đưa các công trình khoa học vào cuộc sống.

Ảnh: VGP/Huy Thắng
 

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tại Hội thảo Doanh nghiệp (DN) với ứng dụng khoa học sáng tạo, từ chính sách đến thực tiễn do Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức chiều 19/11.

Chia sẻ với các đại biểu có mặt tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ (KHCN) tiếp tục được hoàn thiện theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động KHCN. Bên cạnh những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, như: Luật KHCN; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ… còn nhiều chương trình, đề án quốc gia khác về phát triển KHCN.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, hoạt động KHCN ở các bộ, ngành cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, công tác quản lý hoạt động KHCN được đẩy mạnh; hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước về KHCN ở địa phương cũng như hoạt động sự nghiệp, dịch vụ KHCN tiếp tục được củng cố và phát triển…

Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn của việc ứng dụng sáng tạo khoa học cho thấy, các kết quả nghiên cứu KHCN được ứng dụng triển khai vào thực tiễn còn hạn chế. Sở dĩ có điều này do các nghiên cứu ứng dụng triển khai cần phải có những phối hợp liên ngành và đa ngành, trong khi các nghiên cứu mới chỉ tập trung vào chuyên môn sâu và chuyên ngành hẹp. Thị trường KHCN hiện nay mới được hình thành, cơ chế chính sách và thông tin khoa học chưa hoàn thiện, còn thiếu kết nối giữa nhà khoa học và DN, nhiều sản phẩm nghiên cứu hữu ích, có giá trị thực tiễn cao nhưng không có địa chỉ chuyển giao.

Một trong những khó khăn và thách thức nữa là chưa có những chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc chuyển giao công nghệ nhằm phát triển và đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Đại diện cho các nhà DN, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam đánh giá, với 97,6% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước, nếu tính cả 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể, làng nghề và 138.000 hợp tác xã, trang trại thì lực lượng DN là vô cùng đông đảo. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, khối DN sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn do khả năng cạnh tranh còn thấp, trong đó có vấn đề về ứng dụng KHCN để nâng cao giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, thực tế, bản thân các DNVVN nước ta có quy mô nhỏ bé dần, phạm vi hoạt động hẹp, hạn chế về vốn, công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản trị bài bản, tiếp cận tín dụng và bảo lãnh. Ngoài ra, môi trường kinh doanh, đầu tư chưa thực sự thông thoáng và bình đẳng, hệ thống tổ chức và cách thức hỗ trợ phát triển chưa phù hợp…

Chia sẻ những khó khăn với DN, đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, để đẩy mạnh ứng dụng sáng tạo khoa học vào thực tiễn, cần có sự bắt tay giữa nhà khoa học và DN. Đây được xem là con đường tốt nhất để thương mại hóa các công trình khoa học và cũng là cách làm để đưa các công trình khoa học vào cuộc sống.

Các nhà khoa học phải nghiên cứu cái gì DN cần chứ không phải nghiên cứu theo ý muốn và ngược lại, DN cũng cần có sự chủ động trong nâng cao trình độ và ứng dụng KHCN vào sản xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng khẳng định, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật để hỗ trợ cho DN trong việc chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho DN có nhiều cơ hội hơn để tiếp xúc với các nghiên cứu KHCN tiên tiến…

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu rõ, trong năm 2016, Quốc hội sẽ có giám sát chuyên đề trong lĩnh vực KHCN và định hướng phát triển cho giai đoạn mới.

Có thể thấy rõ, ứng dụng nghiên cứu KHCN là động lực chính cho các DN nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cũng tại Hội thảo, các nhà quản lý và hoạch định chính sách trong lĩnh vực KHCN đã được nghe những câu chuyện thực tế, có cả khó khăn và thuận lợi của DN trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất. Từ đó, có định hướng nhằm hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực KHCN, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào thực tiễn, đẩy mạnh phát triển KHCN theo hướng sáng tạo; đồng thời, tháo gỡ những khó khăn cho DN khi mà những cơ chế chưa thể hoàn thiện trong trước mắt
.

Nguồn: Chinhphu.vn

Số lượt đọc: 6158

Về trang trước Về đầu trang