Tin KHCN trong nước
Tiêu chuẩn – Ngôn ngữ chung của thế giới (15/10/2015)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 14/10 tại Hà Nội, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) tổ chức lễ kỷ niệm 69 năm ngày tiêu chuẩn thế giới (14/10/1946 – 14/10/2015).

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết, chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”  đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg đặt mục tiêu, đến năm 2020, hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia có trên 60% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Với chủ đề Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm 2015 là “Tiêu chuẩn – Ngôn ngữ chung của thế giới”, một lần nữa nhấn mạnh vai trò của tiêu chuẩn – chìa khóa của KH&CN, là cơ sở nền tảng và định hướng, giúp kết nối khoa học, công nghệ với đời sống xã hội.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại buổi lễ

“Với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, Liên minh Viễn thông uốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (CODEX) và thành viên liên kết của Ủy ban Kỹ thuật Điện quốc tế (IEC). Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn. Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam.” Thứ trưởng Trần Việt Thanh chia sẻ.

Theo Ban tổ chức, năm 1977, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức ISO. Đến nay, hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện có khoảng 8.600 tiêu chuẩn cho gần 100 lĩnh vực, với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt 45%. Các bộ, ngành theo trách nhiệm quản lý xây dựng và ban hành hơn 700 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đối với các sản phẩm hàng hóa. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, đưa hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nói chung đi vào nền nếp. Mỗi năm, Việt Nam tham gia góp ý gần 100 tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC đối với các sản phẩm hàng hóa chủ lực của quốc gia.

Ngày 14/10/1946 tại Luân Đôn (Anh), đại diện 25 quốc gia đã thành Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế lập ISO với mục tiêu “Thúc đẩy sự phối hợp và liên kết quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn công nghiệp”. Đến năm 1970, Tổ chức ISO đã chọn ngày 14/10 là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới. Trải qua 69 năm hình thành và phát triển, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO hiện có 165 quốc gia thành viên, tập hợp hơn 100 nghìn chuyên gia và là một trong những tổ chức quốc tế lớn nhất hiện nay. Đến nay, tổ chức ISO đã đưa vào áp dụng trên 20.500 tiêu chuẩn quốc tế, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ trên toàn thế giới; Tăng cường sức khỏe cộng đồng, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường; Phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và kinh tế.

Nguồn: Truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 7865

Về trang trước Về đầu trang