Tin KHCN nước ngoài
Phát điện nhờ chênh lệch nồng độ muối (01/10/2015)
-   +   A-   A+   In  

Một nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu công nghệ năng lượng Hàn Quốc (KIER) đã phát triển thành công công nghệ phát điện tận dụng chênh lệch nồng độ muối đầu tiên tại Hàn Quốc. Viện nghiên cứu công nghệ năng lượng Hàn Quốc cho biết sẽ xúc tiến thương mại hóa mô hình phát điện nhờ chênh lệch nồng độ muối vào năm 2025.

So với nước sông gần như không có muối thì nước biển có nồng độ muối là 3,5%. Công nghệ phát điện này đưa nước ngọt và nước biển đi qua bể chứa có lắp màng trao đổi ion âm và dương, các ion natri (Na+) và ion clorua (Cl–) trong nước biển sẽ di chuyển sang bể nước ngọt nơi có nồng độ muối thấp hơn. Khi đó, ion natri dương sẽ đi qua màng trao đổi ion dương, ion clorua âm sẽ đi qua màng trao đổi ion âm, các ion âm và dương được tách ra, tạo thành dòng điện. Viện nghiên cứu công nghệ năng lượng Hàn Quốc đang thí điểm vận hành thiết bị phát điện theo công nghệ này.

 

Các chuyên gia của KIER cho rằng, với vị trí địa lý có 3 mặt giáp biển và có 5 con sông, Hàn Quốc nếu tận dụng nguồn nước biển và nước sông thì có thể sản xuất 3.400MW điện, bằng 20% công suất phát điện của nhà máy điện nguyên tử. Khác với công nghệ phát điện bằng sức gió hay năng lượng mặt trời chịu nhiều ảnh hưởng vào thời tiết hay môi trường, công nghệ phát điện nhờ chênh lệch nồng độ muối này chỉ cần tới nước ngọt và nước biển, khiến cho việc sản xuất điện năng ổn định hơn. Hiện tại, các nước như Hà Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ đang tiến hành nghiên cứu rộng rãi về phương pháp này.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 5644

Về trang trước Về đầu trang