Tin KHCN trong nước
Hội nghị khoa học toàn quốc về ứng dụng công nghệ sinh học trong y học (01/10/2015)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 29/9/2015, tại Hà Nội, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.10/11-15 và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức Hội nghị toàn quốc về ứng dụng công nghệ sinh học trong y học.

Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Trương Quang Khánh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.10/11-15; đồng chí Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viên Trung ương Quân đội 108 cùng đại diện một số đơn vị của Bộ KH&CN, Bộ Y tế, các cán bộ, nhà khoa học của Bệnh viện Quân đội 108.

 

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chương trình KC.10/11-15 là Chương trình thành công nhất trong tất cả chương trình trọng điểm cấp Nhà nước được Bộ KH&CN và cộng đồng nhà khoa học đánh giá cao

 

Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.10/11-15 là chương trình khoa học về Y học, với mục tiêu chính là đưa những tiến bộ của khoa học thế giới vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam.

 

GS.TS. Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.10/11-15 cho biết, CNSH hiện đại ra đời biến giấc mơ của người thầy thuốc thành hiện thực. CNSH Việt Nam đi sau thế giới khoảng 30 năm nhưng đến nay đã theo kịp được trình độ công nghệ trên thế giới. Trong giai đoạn vừa qua, nhiều đề tài/ dự án thuộc Chương trình đã ứng dụng, phát triển và đưa vào Việt Nam các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm trí tuệ góp phần vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong số đó nhiều sản phẩm đã được thế giới biết tới và tạo ra tiếng vang trên trường quốc tế như Vắc xin phòng tiêu chảy cấp Rotavin M1, phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý tuyến giáp… góp phần khẳng định vị thế của các nhà khoa học Việt Nam trên trường Quốc tế. Việc sản xuất thành công Vắc xin tiêu chảy cấp Rotavin M1 đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 4 trên thế giới và thứ 2 ở Châu Á có thể tự sản xuất vắc xin phòng chống virus Rota, đây là sản phẩm tiêu biểu minh chứng cho việc ứng dụng thành tựu của Công nghệ sinh học trong Y học.

 

GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước KC.10/11-15 phát biểu tại Hội nghị

 

Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận định, những năm qua, CNSH nước ta đã tiến bộ nhanh chóng, việc xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cho CNSH đã được quan tâm và đầu tư. Đặc biệt, việc ứng dụng CNSH truyền thống trong sản xuất đã trở nên phổ biến, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông-lâm-thủy sản; sản xuất vắc xin và một số chế phẩm phục vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

Chương trình KC.10/11-15 là Chương trình thành công nhất trong tất cả chương trình trọng điểm cấp Nhà nước được Bộ KH&CN và cộng đồng nhà khoa học đánh giá cao và đồng thuận tiếp tục Chương trình giai đoạn tiếp theo. Nghiên cứu và sản xuất vắc xin là 1 trong 6 sản phẩm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&CN và Bộ Y tế phối hợp để phát triển vắc xin trở thành một sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

 

Bộ trưởng khẳng định, mặc dù ngân sách chi cho KH&CN còn hạn chế nhưng những người làm khoa học ở Việt Nam trong đó có các nhà khoa học trong lĩnh vực y học, dược đã vượt qua chính mình, đạt được nhiều thành tựu to lớn ngang tầm khu vực và thế giới, đây chính là niềm tự hào của những người làm khoa học Việt Nam.

 

Chia sẻ với phát biểu của GS.TS Phạm Gia Khánh, Bộ trưởng khẳng định, không chỉ người thầy thuốc mới cảm nhận được “nỗi đắng cay” của người thầy thuốc mà đây cũng chính là nỗi đắng cay của người làm khoa học, chắc chắn không có nước nào làm khoa học, đầu tư cho khoa học ít như Việt Nam nhưng có thành tựu khoa học tuyệt vời như Việt Nam.

 

Cách đây ít ngày, Tổ chức SHTT thế giới đã công bố xếp hạng về Chỉ số đổi mới sáng tạo (đánh giá về trình độ công nghệ của 140 Quốc gia) năm 2015, Việt Nam xếp thứ 52 trên thế giới. Trong ASEAN, 5 năm vừa qua chúng ta lần lượt vượt qua các đối thủ nặng ký, năm 2013 vượt qua Philippin và Malaisia, năm 2014 vượt qua Brunei và 2015 vượt Thái Lan. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, khi xây dựng Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, khi thảo luận về Nghị Quyết 20, nhiều đồng chí Trung ương rất băn khoăn về mục tiêu đến 2020 Việt Nam nằm trong Top dẫn đầu (Top 3) ASEAN về phát triển KH&CN. Đây là mục tiêu rất khó khăn, nhưng 5 năm nữa mới tới 2020 chúng ra đã vượt qua Thái Lan về Chỉ số đổi mới sáng tạo.

 

“Tôi tin các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, y dược có đóng góp to lớn vào con số ấn tượng này, bởi trong lĩnh vực vắc xin Việt Nam đang ở thứ hạng hàng đầu ASEAN và có thứ hạng trên thế giới. Với 10/11 vắc xin tiêm chủng mở rộng tự chủ được, 4 vắc xin đạt trình độ quốc tế và có khả năng xuất khẩu, với rất nhiều sản phẩm khác đã thành công và gần đây nhất và Vắc xin Rotavin-M1”, Bộ trưởng nhận định.

 

 

Các sản phẩm của đề tài đóng góp vào phát triển các mũi nhọn mới trong lĩnh vực được đánh giá là một cuộc cách mạng trong y học hiện nay

 

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS. Lê Quang Cường cho biết, Bộ Y tế đánh giá cao Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước KC.10/11-15. Trong những năm gần đây, thành tựu khoa học lớn trong ngành y tế luôn gắn với kết quả nhiệm vụ KH&CN của Chương trình KC.10/11-15 như ghép tạng, nội soi và can thiệp mạch…, đặc biệt nhiều đề tài dự án của Chương trình đã nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật CNSH tiên tiến của thế giới vào điều kiện Việt Nam đã mang lại hiệu quả xã hội cao. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ, Chương trình đã giúp đội ngũ cán bộ sinh học trong y tế, đây là tiền đề quan trọng trong phát triển các mũi nhọn mới trong lĩnh vực được đánh giá là một cuộc cách mạng trong y học hiện nay.

 

Bên cạnh những thành tựu trên, Bộ Y tế cũng mong muốn trong thời gian tới Chương trình cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ về CNSH thế giới và phát triển công nghệ sản xuất các vắc xin thiết yếu, vắc xin thế hệ mới… tập trung nghiên cứu đánh giá và xác định được vai trò, vị trí của sản phẩm công nghệ y tế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 

GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Quân đội Trung ương 108

 

Hội nghị đã nghe 6 báo cáo tổng quan của các chuyên gia đầu ngành về ứng dựng CNSH trong 1 số chuyên ngành của Y học và 20 báo cáo ứng dụng các kỹ thuật CNSH trong ứng dụng y học ở các trường đại học, các viện nghiên cứu và các bệnh viện nhiều kinh nghiệm về CNSH.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 8100

Về trang trước Về đầu trang