Tin KHCN nước ngoài
Biến đổi đất nhiễm dầu thành đất màu mỡ (07/09/2015)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Rice đang xử lý đất ô nhiễm dầu theo hướng tiết kiệm năng lượng và cải tạo độ màu mỡ của đất. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng quy trình nhiệt phân liên quan đến việc làm nóng đất ô nhiễm trong điều kiện thiếu oxy. Phương pháp này mang lại lợi ích môi trường lớn hơn nhiều các kỹ thuật đốt thông thường.

Tràn dầu ngoài khơi có xu hướng được quan tâm nhiều, nhưng 98% số vụ dầu tràn (hơn 25.000 vụ mỗi năm) lại diễn ra trên đất liền. Ngành công nghiệp và chính phủ các nước trên toàn thế giới phải chi hơn 10 tỷ USD/năm để xử lý tràn dầu.

 

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiệt phân đất ô nhiễm trong vòng 3 giờ không chỉ làm giảm lượng hydrocacbon trong dầu mỏ xuống thấp hơn mức tiêu chuẩn (thường là dưới 0,1% trọng lượng), mà còn tăng độ màu mỡ cho đất bằng cách biến đổi các bon thành than có ích.

 

Pedro Alvarez, kỹ sư môi trường và cũng là đồng tác giả nghiên cứu nói: “Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng có thể biến đổi hydrocacbon thành than sinh học. Nhưng chúng tôi đã có phần sai lầm: chúng tôi không thu được than sinh học mà là vật liệu chứa cacbon mà chúng tôi gọi là than và giống than cốc. Chúng tôi đã đúng khi nghĩ rằng loại bỏ các chất ô nhiễm độc hại và tính kỵ nước mà thực vật cần có và giữ lại một phần các bon và dưỡng chất, chúng tôi đã tăng tốc độ sinh trưởng của cây trồng”.

 

Nghiên cứu đã chứng minh khả năng trồng thành công rau diếp trên đất được cải tạo trong phòng thí nghiệm. Theo nghiên cứu sinh Julia Vidonish, một trong các tác giả nghiên cứu, không có cây trồng nào chính thức được công nhận là tiêu chuẩn để xét nghiệm độc tính của dầu, nhưng rau diếp được cộng đồng coi là rất nhạy cảm với các chất độc, đặc biệt là dầu. Đất cải tạo không nhất thiết được sử dụng để trồng cây lương thực, mà còn để phủ xanh như trồng cỏ giảm xói mòn và phục hồi thảm thực vật.

 

Quy trình xử lý đất nhiễm dầu trong nghiên cứu vừa khử hấp thụ nhiệt, vừa lợi dụng tính chất hóa học của dầu. Nung nóng đất ô nhiễm ở khoảng 420oC trong điều kiện thiếu oxy, các nhà nghiên cứu đã loại bỏ hydrocacbon khối lượng nhẹ. Đó là khâu khử hấp thụ nhiệt. Nhưng khi nhiệt độ hạ xuống mức trên 350oC, hydrocacbon có khối lượng nguyên tử cao, nhựa và asphaltene đã trải qua một chuỗi các phản ứng cracking và ngưng tụ để tạo thành than rắn tương tự như than cốc dầu mỏ được tạo ra trong các nhà máy lọc dầu. Than cốc không được Cơ quan bảo vệ môi trường xếp vào loại chất thải nguy hại.

 

Vidonish cho rằng quy trình xử lý đất nhiễm dầu nên được mở rộng và kết hợp với thiết bị xử lý hiện có. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu sâu hơn để tối ưu hóa quy trình.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 5895

Về trang trước Về đầu trang