Tin KHCN nước ngoài
Vật liệu được sử dụng để truyền thuốc một lần trong thời gian dài (11/08/2015)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện công nghệ Massachussets (MIT) đã phát triển một loại vật liệu mới có triển vọng sử dụng cho các hệ thống truyền thuốc lâu dài, cũng như theo dõi diễn biến dạ dày và can thiệp giảm cân. Vật liệu gel polime này dẻo và phản ứng với độ pH, cho phép nó lưu lại trong dạ dày thời gian dài trước khi hòa tan an toàn trong ruột non.

Phương pháp truyền thuốc lâu dài, sử dụng một lần mang lại lợi ích to lớn, đặc biệt đối với bệnh nhân không thể chịu được liệu pháp điều trị hàng ngày. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều yếu tố cản trở việc sử dụng thường xuyên thiết bị.

 

Bất kỳ thiết bị tiềm năng nào cũng cần có kích thước nhỏ đủ để đi xuống thực quản (bệnh nhân dễ nuốt) nhưng phải lớn hơn van ở cuối dạ dày gọi là môn vị để nó không bị lọt xuống ruột. Ngoài ra, nếu nó ở trong ruột lâu thì nguy cơ tắc ruột sẽ khá cao và cần phải phẫu thuật khẩn cấp để xử lý vấn đề trong trường hợp xảy ra sự cố. Vật liệu mới được chế tạo nhờ kết hợp giữa các loại polime đàn hồi được sử dụng lâm sàng trong ruột với axit hydrocloric, đã khắc phục tất cả các hạn chế đó.

 

Polime được thiết kế để phản ứng với độ pH, nghĩa là mặc dù vật liệu có thể chịu được môi trường axit trong dạ dày nhưng nó vẫn hòa tan trong môi trường có độ pH gần trung tính của ruột non. Điều này loại bỏ hoàn toàn nguy cơ tắc ruột. Tính chất dẻo của polime giúp nén và cuộn vật liệu vào trong thuốc dạng viên nang để bệnh nhân dễ nuốt, sau đó nở ra to hơn đường kính môn vị (từ 1,5 đến 2 cm).

 

Các nhà nghiên cứu đã chế tạo một số mẫu thiết bị bao gồm thiết bị hình vòng tròn có đường kính 3 cm có thể được cuộn vào thuốc dạng viên nang. Họ đã thử nghiệm trên lợn và phát hiện thấy thiết bị nở ra thành hình dạng ban đầu trong vòng 15 phút sau khi nuốt và vẫn lưu lại trong dạ dày 7 ngày. Khi ra khỏi dạ dày, nó hoàn tan trong ruột non.

 

Thiết bị được làm từ vật liệu mới có thể được ứng dụng trong điều trị béo phì giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn của bệnh nhân, cũng như trong truyền thuốc lâu dài và theo dõi nhiều căn bệnh khác.

 

Các nhà nghiên cứu hiện đang đàm phán với công ty công nghệ sinh học Lyndra để tiếp tục phát triển công nghệ để áp dụng cho việc điều trị thực tế trong tương lai.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 6142

Về trang trước Về đầu trang