Tin KHCN trong nước
Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật công nghiệp (17/01/2025)
-   +   A-   A+   In  

Nhiệm vụ “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật công nghiệp” là một trong những nhiệm vụ thường xuyên về thu thập, lưu trữ, bảo quản, xác định các đặc tính vi sinh vật. Bảo tồn gen vi sinh vật có tầm quan trọng đặc biệt, làm nền tảng cho các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng liên quan đến nhiều lĩnh vực: sinh học, y học, nông nghiệp và môi trường. Đặc biệt, bảo tồn vi sinh vật là nền tảng và hỗ trợ cho các đề án Công nghệ sinh học của ngành Công Thương, ứng dụng trong các lĩnh vực: bảo quản chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo... Trong những năm gần đây, nhu cầu chủng giống phục vụ sản xuất và nghiên cứu ngày càng gia tăng về số lượng và chủng loại.

Hiện nay, nhu cầu nâng cấp bảo tồn gen đang trở nên cấp bách hơn liên quan tới việc thực thi Nghị định thư Nagoya, công ước quốc tế về đa dạng sinh học trong tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen của 93 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Đối với những chủng giống có sau 2014, việc trao đổi, tiếp nhận giữa các quốc gia được siết chặt về mặt pháp lý và quản lý. Nếu như trước đây các bảo tồn gen quốc tế cung cấp chủng nghiên cứu với giá thành hợp lý hoặc trao đổi miễn phí thì hiện nay, các bảo tồn gen quốc tế cung cấp chủng với giá thành rất cao và kèm theo yêu cầu pháp lý chặt chẽ. Mặt khác, để giám sát việc sử dụng và đảm bảo quyền lợi thành viên công ước, Việt Nam cũng cần nâng cấp các bảo tồn gen quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực vi sinh vật vì đây là đối tượng khó kiểm soát và đòi hỏi năng lực chuyên môn cao.

Xuất phát từ thực tiễn trên, PGS. TS. Vũ Nguyên Thành cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghiệp Thực phẩm thực hiện đề tài nghiên cứu “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật công nghiệp” với mục tiêu duy trì và phát triển nguồn gen vi sinh vật hiện có nhằm tạo cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ sinh học của đất nước.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

1. Đã bảo tồn an toàn 1560 chủng giống trong bộ sưu tập

- Các hình thức bảo quản

- Kiểm tra sức sống: 125 chủng đã được kiểm tra (hợp đồng là 100 chủng), trong đó có 45 chủng nấm men, 50 chủng nấm mốc và 30 chủng vi khuẩn.

2. Thu thập và đánh giá đặc tính sơ bộ và đặc tính công nghệ:

Thu thập và đánh giá đặc tính sơ bộ 205 chủng

- Nấm mốc: 103 chủng phân lập từ vỏ keo đã xác định tên loài, trong đó 88 chủng đại diện được xác định hoạt tính 5 loại enzyme (xylanase, CMCase, laccase, tannase, và pectinase).

- Nấm men: 52 chủng chịu pH thấp đã xác định tên loài, trong đó đánh giá chi tiết khả năng sinh trưởng và phát triển của 21 chủng đại diện ở các pH từ 0.38-3.86.

- Vi khuẩn: 50 chủng lên men lactic đã xác định tên loài và đánh giá đặc tính (khả năng sinh trưởng, phát triển ở các nhiệt độ và pH khác nhau, khả năng sử dụng các nguồn đường khác nhau).

Đánh giá đặc tính công nghệ 11 chủng

- Nấm mốc: 5 chủng nấm mốc có khả năng tạo sinh khối protein cao ở nhiệt độ 40- 45°C, chịu được pH 3.5-4.5 khi bổ sung Ure hoặc NaNO3 trong môi trường dịch hèm

- Nấm men: 3 chủng nấm men có khả năng tạo sinh khối protein cao ở môi trường dịch hèm có pH2.

- Vi khuẩn: 3 chủng vi khuẩn lactic có tiềm năng ứng dụng trong sản phẩm probiotic (khả năng sống của vi khuẩn trong dịch dạ dày nhân tạo, dịch ruột non nhân tạo, sự tương tác với kháng sinh, và sàng lọc gen kháng kháng sinh)

3. Cập nhật cơ sở dữ liệu nguồn gen

- Đã cập nhật thông tin cho 150 chủng trên trang web, bao gồm: mã chủng, vị trí phân loại, nguồn gốc chủng, điều kiện và môi trường nuôi cấy, ứng dụng, tình trạng bảo quản, và tài liệu tham khảo.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 23220/2023) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI