Tin KHCN trong nước
Gỡ nút thắt, tạo đột phá cho phát triển khoa học, công nghệ (13/01/2025)
-   +   A-   A+   In  

Bộ KH-CN đang tiến hành lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH-CN và ĐMST). Dự thảo luật được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ chế thông thoáng, giúp đơn giản hóa các quy trình xét duyệt và thực hiện các đề tài KH-CN, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp KH-CN phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Các sản phẩm công nghiệp quốc phòng do Việt Nam nghiên cứu sản xuất thu hút đông đảo khách tham quan tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Ảnh: QUANG PHÚC

Các sản phẩm công nghiệp quốc phòng do Việt Nam nghiên cứu sản xuất thu hút đông đảo khách tham quan tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Ảnh: QUANG PHÚC

Đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, nội dung của dự thảo Luật KH-CN và ĐMST sẽ bám sát, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các quy định mạnh mẽ, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và tiến gần tới thông lệ quốc tế. Đặc biệt, là Nghị quyết số 57-NQ/TW “về đột phá phát triển KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia” của Bộ Chính trị vừa ban hành.

Các nội dung quan trọng của dự thảo luật gồm: mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiến hành tinh gọn bộ máy để tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các tổ chức KH-CN, tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước; nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động KH-CN...

Ngày 9-1, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, chính sách trong phát triển KH-CN và ĐMST, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời khẩn trương sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động KH-CN và ĐMST theo hướng chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST. Sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ (2013) và các luật có liên quan trong dự án xây dựng Luật KH-CN và ĐMST để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy KH-CN và ĐMST; tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho KH-CN và ĐMST.

Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Dự thảo Luật KH-CN và ĐMST đề xuất bỏ quy định yêu cầu đăng ký hoạt động KH-CN đối với tất cả các tổ chức, thay vào đó chỉ quy định về việc thành lập và đăng ký hoạt động đối với tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D). Dự thảo cũng bổ sung quy định về tổ chức R&D công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực nhà nước ưu tiên đầu tư; bổ sung quy định về cơ chế tự chủ đối với tổ chức R&D công lập.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết, dự thảo luật quy định cụ thể các chính sách ưu đãi phù hợp với từng đối tượng nhân lực hoạt động KH-CN và ĐMST; bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức KH-CN công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức KH-CN mà mình là thành viên tạo ra; định kỳ được cử sang làm việc tại các tổ chức R&D, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và các tổ chức khác trong một thời gian nhất định để trao đổi học thuật, nâng cao năng lực, nắm bắt nhu cầu công nghệ.

Bên cạnh đó, kinh phí cho các hoạt động KH-CN trong các tổ chức đại học cần được tăng cường không chỉ cho cơ sở vật chất mà còn cho các đề tài nghiên cứu, hội thảo và các hoạt động hỗ trợ khác. Đây được coi là quy định có tính đột phá nhằm thúc đẩy liên kết giữa khu vực nghiên cứu với doanh nghiệp để giúp nâng cao trình độ của doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với thực tiễn và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Thời gian qua, một trong những vấn đề vướng mắc đối với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ là câu chuyện cơ chế tài chính. Các nhà khoa học vốn mong muốn chỉ tập trung vào nghiên cứu thay vì phải đối phó hóa đơn, chứng từ... Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH-CN) cho biết, Luật KH-CN và ĐMST sẽ giải quyết các “nút thắt” về cơ chế tài chính, đồng thời đồng bộ hóa với các luật khác. “Dự thảo lần này đề xuất bổ sung cơ chế khoán chi, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, giúp các tổ chức công lập tự chủ hơn trong quản lý kinh phí”, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp nói.

Theo bà Phạm Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH-CN), dự thảo luật đang xây dựng hướng tới mở rộng ưu đãi để thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Các chính sách tập trung vào một số đối tượng nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các tổng công trình sư trong và ngoài nước, có khả năng tổ chức điều hành triển khai các nhiệm vụ trọng điểm về KH-CN. “Chúng tôi rất kỳ vọng những đột phá trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, là cơ hội lớn trong KH-CN để có thể đề xuất những chính sách bước ngoặt”, bà Vân Anh chia sẻ.

Nguồn: sggp.org.vn