Tin KHCN trong nước
Việt Nam góp phần định hình tương lai trí tuệ nhân tạo (06/01/2025)
-   +   A-   A+   In  

Phó tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận định Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong định hình tương lai trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực có tác động sâu rộng tới kinh tế và cấu trúc xã hội toàn cầu.

Thông tin ông Amandeep Singh Gill, Phó tổng Thư ký Liên hợp quốc, nói tại hội thảo quốc tế "Đối thoại về Quản trị trí tuệ nhân tạo" tổ chức tại Hà Nội chiều 5/1. Đối thoại được tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hợp quốc tại Việt Nam. Sự kiện tổ chức trong bối cảnh các cơ quan của Liên hợp quốc đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, cung cấp phân tích chính sách, tư vấn kỹ thuật và các sáng kiến về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có đạo đức và hỗ trợ thiết kế các biện pháp bảo vệ trong cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số của Việt Nam.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc xây dựng các quy tắc toàn cầu về AI, ông Amandeep Singh Gill cho rằng, tương lai của AI không nên được quyết định bởi một vài quốc gia. "Liên hợp quốc là nền tảng để Việt Nam đóng góp ý kiến xây dựng quy tắc toàn cầu cho AI", ông nói.

Ông Amandeep Singh Gill phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nhật Minh

Ông Amandeep Singh Gill phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nhật Minh

Theo ông Gill, việc tham gia vào các sáng kiến toàn cầu không chỉ giúp Việt Nam học hỏi từ các quốc gia phát triển mà còn là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến về quy trình quản trị AI. "Việc thiết lập mạng lưới toàn cầu về xây dựng năng lượng AI sẽ tạo cơ hội để Việt Nam đóng góp và mang lại lợi ích cho tài nguyên chung của thế giới".

Việt Nam đang thúc đẩy các sáng kiến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực AI, không chỉ trong việc phát triển chính sách mà còn trong việc xây dựng năng lực toàn cầu. Theo khuyến nghị của ông Gill, một trong những giải pháp quan trọng là thiết lập mạng lưới toàn cầu để xây dựng năng lực trong lĩnh vực AI hiện đại. Ông chia sẻ: "Việc xây dựng một mạng lưới toàn cầu về phát triển năng lực sẽ tạo ra cơ hội cho các quốc gia, bao gồm Việt Nam, đóng góp và mang lại lợi ích cho tài nguyên và hiểu biết chung". Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm mà còn giúp Việt Nam tiếp thu những tiến bộ và bài học từ các quốc gia khác.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, Việt Nam cam kết trở thành thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế về khoa học và công nghệ, đặc biệt là AI. "Việt Nam tập trung phát triển đất nước thông qua khoa học và công nghệ, không chỉ ứng dụng AI mà còn nghiên cứu hoạt động của nó đối với tương lai của con người", ông Duy chia sẻ.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết Việt Nam hợp tác quốc tế để phát triển và ứng dụng AI hiệu quả. Ảnh: Nhật Minh

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết Việt Nam hợp tác quốc tế để phát triển và ứng dụng AI hiệu quả. Ảnh: Nhật Minh

Dù AI mang lại nguồn tài nguyên lớn trong việc tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực lao động, Việt Nam cũng đối mặt với các vấn đề như mất cân bằng trong tiếp cận công nghệ, xâm phạm quyền riêng tư, hay nguy cơ thao túng thông tin. Trước nguy cơ đó, ông Duy cho biết Việt Nam đang hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNESCO và Australia để xây dựng các nguyên tắc trong phát triển AI. Điều này giúp Việt Nam thúc đẩy một hệ thống sinh thái AI bền vững, tập trung vào việc phát triển công nghệ một cách công bằng, bảo vệ quyền riêng tư và giảm thiểu các nguy cơ thao túng thông tin.

Theo ông, sự tham gia của Việt Nam không chỉ giúp học hỏi từ các quốc gia khác mà còn tạo cơ hội cho các nghiên cứu trong nước có thể tham gia vào các sáng kiến và sự kiện quốc tế. "Việc tham gia vào các cộng đồng này giúp chúng ta học hỏi những khái niệm mới và áp dụng vào những gì đang thực hiện tại Việt Nam", Thứ trưởng Duy nói.

Tại Việt Nam, AI đang được nghiên cứu và phát triển mạnh trong các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, trường đại học. PGS. TS Bùi Thu Lâm và GS Nguyễn Thanh Thủy, Câu lạc bộ Khoa - Trường-Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt
Nam (FISU) cho biết, hiện có nhiều trường đại học, cơ quan giáo dục đã bắt đầu đưa AI vào các hệ thống giảng dạy và quản lý. Việt Nam hiện có hơn 20 phòng thí nghiệm AI, với khoảng 3.000 sinh viên theo học các chương trình liên quan đến AI và 50 trường đại học cung cấp chương trình giảng dạy do AI thúc đẩy. Ngoài ra, 26 trường đại học hiện cung cấp các chuyên ngành hoặc chuyên ngành AI, được Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ.

"Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng kể trong nghiên cứu AI", PGS Lâm nói, dẫn thêm Việt Nam xếp thứ 29 trên toàn cầu về các ấn phẩm học thuật vào năm 2023. Trong năm năm qua, đã có 40 khoản tài trợ nghiên cứu lớn tập trung vào công nghệ AI.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 139

Về trang trước Về đầu trang