Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, 2025 là năm đặc biệt quan trọng, tăng tốc, bứt phá, về đích phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Phòng thí nghiệm bán dẫn Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh:Quỳnh Trần
Bộ Khoa học và Công Nghệ tập trung triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm, gồm:
Một: Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Hai:Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện Đề án hợp nhất hai Bộ; sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi hợp nhất. Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định "đảm bảo bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của doanh nghiệp và của người dân".
Ba:Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội bốn dự án Luật gồm: dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dự án Luật Năng lượng nguyên tử. Triển khaicác cơ chếthí điểm, vượt trội, đặc thù góp phần "tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực". Mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính đưa đất nước phát triển bứt phá.
Bốn:Các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2025 - 2030 được rà soát, triển khai hiệu quả; phát huy vai trò dự báo chiến lược về xu thế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xác định rõ những công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ cao cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam. Khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các kho dữ liệu khoa học dùng chung; kết nối các cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam.
Năm:Phát triển mạnh nhân lực khoa học và công nghệ, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây...; hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu trẻ; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút nhà khoa học Việt ở nước ngoài tham gia phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp vào sự phát triển trong nước.
Sáu:Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới... Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Bảy:Đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử và các công nghệ chiến lược khác; gắn kết các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với ngoại giao kinh tế, thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tám:Đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó ưu tiên triển khai mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia. Tập trung thúc đẩy bảo hộ, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Chín:Tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định. Triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm là triển khai hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia.
Tại hội nghị tổng kết ngành hôm 30/12/2024, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng: "Khoa học công nghệ không chỉ là động lực mà còn là nền tảng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và cạnh tranh trên toàn cầu". Ông yêu cầu ngành Khoa học và Công nghệ dành ưu tiên cao nhất cho công tác hoàn thiện thể chế chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tập trung kiện toàn sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18. Những đóng góp của ngành vào tăng trưởng kinh tế "cần được đẩy mạnh hơn nữa", ông nói.